Trang chủ » BỆNH

BỆNH

Bịnh là nổi khổ của nhơn sanh,
Vướng mắc triền-miên nợ ngũ-hành
Học phép dưỡng-sinh mau giải-thoát
Trợ an bản thể khỏe hồn linh.
Linh tánh vương mang bịnh khổ trần,
Thất tình lục-dục hại chơn thân,
Pháp-luân thường chuyển hằng khai giảI,
Tụng niệm Nam-Mô nhớ dưỡng thần.
Thần khí qui căn, bịnh dứt liền,
Mới hay phép báu của Thần Tiên,
Trước lo giải bịnh cho cơ thể
Sau vượt sông mê cậy “Pháp-Thuyền”

Bệnh do đâu mà sinh? Đều bởi vọng tưởng mà sinh phiền não. Phiền não đã sinh thì phía trong thương tâm. Tâm bị thương thì không dưỡng được tì, cho nên không thèm ăn. Tì hư thì khí ở trong phế kém khuyết nên mới sinh ho hen. Ho hen thì thủy khí tuyệt lần, nên mộc khí chẳng sung, tóc đỏ gân bại. Bệnh truyền khắp ngũ tạng thì con người phải chết.
Con người đương lúc vọng tưởng mới động, tức là lúc tật bệnh phát sinh. Người nay chẳng xét, chờ có đau nhức trong mình, mới cho là có bệnh, mà không rõ cái nguyên nhân của nó phát ra chẳng phải hôm một mai gì. Kỳ thật, bịnh lần lần đến cho mình.
Bên ngoài cái thân của con người, thì có lục dâm là: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa (gió, lạnh, nóng, ướt, ráo, lửa). Còn phía trong thì có thất tình là: hỉ, nộ, ai, lạc, ưu, khủng, kinh (mừng, giận, buồn, vui, lo, khiếp, hoảng) (Tưởng nên theo thất tình trong sách Lễ là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, đúng hơn vì giống với kinh Phật là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, tắng, dục. Chữ ai với chữ ưu tuy khác, mà cũng đồng một nghĩa là: buồn. Còn ố, tắng, cũng đồng một nghĩa là: ghét).
Do thất tình mà bịnh, là bịnh nội thương, đó là chứng bất túc (chẳng đủ). Do lục dâm mà bệnh, là bệnh ngoại cảm, đó là bệnh hữu dư (có dư). Bất túc là bệnh hư tổn, thiếu sức, thì phải bổ. Hữu dư là bệnh nhiễm tà khí ở ngoài, thì phải tả (xổ). Khí huyết hậu thiên thuộc về hữu hình, thọ thương mà bị bệnh, nếu chẳng phản quán (Phản quán nghĩa là: xem ngược vào trong, đem tâm phóng ra ngoài trở lộn về) tịnh dưỡng thì chẳng mạnh được. Mười vị đại danh y trị bệnh thân người, Tam Giáo Thánh nhân trị bệnh tâm người.
Người thân bằng có bệnh, ta biết đi viếng thăm. Còn tự mình có bệnh, lại không biết viếng xem mình. Nếu biết tự viếng xem mình: ở trong thì vô tâm, ở ngoài thì vô thân. Tâm thân đều không, thì ai đâu thọ bệnh, ai đâu không bệnh? Ai thấy được cái lý đó rõ ràng, thì tự nhiên vô sự.
Thường tưởng lúc bệnh, ắt tình trần lần thấy giảm. Thường lo ngày chết, thì lòng Đạo tự nhiên sinh. Xưa kia, Tử Nguyên có tâm bệnh, gặp một vị cao tăng kêu mà rằng: Cái bệnhcủa ngài khởi tại phiền não, mà phiền não sinh nơi vọng tưởng.

Vọng tưởng có ba
thứ:
1. Hoặc nhớ đến sự sang hèn, ân oán, một hai chục năm trước, cùng các thứ tình tự vẩn vơ khác. Đây là quá khứ vọng tưởng, nghĩa là vọng tưởng về sự qua rồi.
2. Hoặc việc xảy ra trước mắt, có thể xui theo một bề, mà lại cưỡng cầu sinh ra ý kiến nọ kia, dụ dự chẳng quyết. Đây là hiện tại vọng tưởng, nghĩa là vọng tưởng về sự bây giờ.

3. Hoặc trông mong ngày sau giàu sang theo như lòng mình sở nguyện, hoặc trông mong con cháu vinh vang kịp thời, cùng là những việc không thể nên được, không thể có được. Đây là vị lai vọng tưởng, nghĩa là vọng tưởng về sự xảy đến.
Ba thứ vọng tưởng này khi sinh, khi diệt. Thiền gian gọi là huyễn tâm. Hay xét thấy chỗ vọng này, thì nó liền tiêu diệt, Thiền gia gọi là giác tâm. Cho nên nói: “Chẳng lo niệm dấy lên, duy sợ giác trễ chầy; niệm dấy lên là bệnh, không tiếp tục là thuốc”.
Vị cao tăng lại nói rằn: Cái bệnh của ngài cũng là thủy hỏa chẳng giao. Phàm nịch ái giai nhân mà làm việc hoang dâm, đó là cái dục ngoại cảm. Hoặc đêm tư tưởng giai nhân mà thành ra mộng mị di tinh, đó là cái dục nội sinh. Nhiễm lấy hai cái dục này, thì hao tán nguyên tinh. Nếu bằng đoạn nó được thì thận thủy tự nhiên được tươi nhuần, mới có thể lên giao với tâm.
Còn tư tưởng tìm kiếm chữ nghĩa, bỏ ngủ quên ăn gọi là lý chướng. Lo lắng về chức nghiệp, mà chẳng kể gì cực nhọc, gọi là sự chướng. Hai điều này chẳng phải thiệt là nhân dục, mà cũng tổn tính linh. Nếu hoà hoãn mà làm mỗi việc, thì tâm hỏa chẳng lên đốt nóng, mới có thể xuống giao cùng thận. Cho nên lục trần chẳng hiện duyên cảnh, lục căn không chỗ phối hợp, trở ngược về một nguồn, thì lục thức không còn đi ra ngoài nữa.
Tử Nguyên y theo lời, ở riêng trong một thất, dẹp sạch hết muôn duyên, ngồi tịnh trên một tháng, thì bệnh tâm đâu mất.

Tự gia hữu bệnh, tự gia trị,
Ký tri tu yếu tảo thời y.
Thoản nhược kỵ y, chung úy bệnh,
Vô thường lâm đáo, hối truy trì.
Nghĩa là:
Tự mình có bệnh, tự mình hay,
Đã biết thì nên chữa trị ngay.
Bằng sợ thuốc này, dấu bệnh nọ,
Vô thường đến viếng hối là chầy.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Có câu ngạn ngữ: “Tâm bệnh khó chữa”. Chẳng phải thật khó chữa, tại chẳng biết được phép, chẳng làm theo phép đó thôi.
Tam Giáo Thánh nhân giỏi trị tâm bệnh, một lời nói có thể làm kim chỉ nam cho kẻ mang tâm bệnh. Mà có ai tin theo đó đâu, có ai làm theo đó đâu!

Xưa kia, làm quan giữ cửa ải, tôi mang chứng tì hư hạ tiết (tì yếu, ỉa rót). Năm năm, thở hơi thỏn mỏn, uống thuốc nào cũng không thấy hiệu nghiệm, muôn phần không kể sống lấy một. Tôi bèn phế hết nhân sự, ngồi tịnh phản quán, thung dung xem bộ Tâm kinh. Một trăm ngày, đọc luôn cuốn kinh thì bệnh tôi liền mạnh.
Đó là phương pháp kỳ diệu tôi đã kinh nghiệm, nên mới đem ra mà công bố với ai là người có bệnh trầm trệ như tôi vậy.” 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941