Trang chủ » Đồng dao truyền dự ngôn

Đồng dao truyền dự ngôn

Cổ nhân thường nói “người tính không bằng trời tính”, trong lịch sử có rất nhiều bài đồng dao tiên đoán trước được sự hưng thịnh, diệt vong của một triều đại và họa phúc của các nhân vật lịch sử.

Các bài đồng dao này thường hay xuất hiện vào cuối triều đại và trong thời kỳ loạn thế, có lẽ là bởi những đứa trẻ ngây thơ dễ truyền đạt ý trời, những lời tiên đoán dường như nói với mọi người rằng, trong u minh mọi sự sớm đã có an bài.

Sau đó quân Tây Nhung đến tấn công thật, khi thấy tháp lửa cháy, các chư hầu lại nghĩ chắc U vương lại giở trò bịp bợm, nên không có phản ứng gì. Chu U vương bị dồn vào đường cùng phải bỏ chạy, về sau bị quân Tây Nhung giết trên núi Lệ Sơn, Tây Chu diệt vong. Lời tiên đoán “Hồ ki phục, thực vong Chu” đã ứng nghiệm.

Sau đây là một số bài đồng giao được ghi chép lại:

  1. “Nguyệt tương thăng, nhật tương tẩm; yểm hồ ki phục, thực vong Chu quốc”

“Sử ký Chu bản kỉ” ghi chép, một ngày nọ vào cuối thời Tây Chu, trên một con đường lớn tại đô thành Cảo Kinh, Chu Tuyên vương nghe thấy một đám trẻ hò hét: “Hồ ki phục, thực vong Chu”. Tuyên vương hốt hoảng, cho rằng người bán “Hồ ki phục” (Bao đựng mũi tên) muốn tạo phản nên đã ra lệnh bắt và giết sạch tất cả những người bán “hồ ki phục”. Ông đâu biết rằng, ‘Hồ ki phục’ trong bài đồng dao thực ra là có ý nghĩa khác.

Lúc đó có một đôi vợ chồng già bán hồ ki phục, để tránh khỏi bị truy bắt đã chạy ra ngoài thành, bắt gặp một bé gái bị thả trôi sông, họ cảm thấy rất đáng thương, nên mang về nuôi dưỡng. Cặp vợ chồng già này chạy đến bộ lạc Bao, bé gái này được tộc người Bao nuôi dưỡng trưởng thành, đặt tên là Bao Tự.

Bao Tự sau khi trưởng thành xinh đẹp phi phàm, sau đó thủ lĩnh của tộc người Bao vì muốn cứu đại thần bị Chu U vương giam giữ, liền dùng mỹ nhân kế, dâng Bao Tự cho U vương. Chu U vương vô cùng sủng ái Bao Tự, chỉ muốn nghĩ cách để lấy lòng người đẹp. Không biết tại sao, Bao Tự từ lúc sinh ra đã có một đặc điểm kỳ quái đó là không bao giờ cười, là một mỹ nhân cực kỳ lạnh lùng, vì điều này mà khiến U vương rất buồn bã.

Lúc đó, các tháp dầu ở trên núi Lệ Sơn bên ngoài thành chuyên dùng để đốt lửa báo hiệu khi quân Tây Nhung tấn công, nhằm hiệu triệu các chư hầu đến ứng cứu. Không thể tùy tiện đốt lửa. U vương vì muốn có được một nụ cười của Bao Tự, mà hạ lệnh đốt lửa, trêu đùa các chư hầu, Bao Tự thấy trò hề, mặt mày rạng rỡ nở nụ cười.

  1. “Bình thực”, “Thương dương cổ vũ”

Theo ghi chép trong “Gia ngữ”, một lần Sở Triệu vương đi thuyền qua sông, thì thấy một vật hình tròn màu đỏ to bằng cái đầu, từ dưới sông đâm vào thuyền. Các thuộc hạ trên thuyền liền vớt vật này lên cho Sở vương, Sở vương thấy vô cùng kỳ lạ. Hỏi các đại thần xung quanh thì không ai biết đó là vật gì. Thế là Sở vương phái người đến nước Lỗ hỏi Khổng Tử.

Khổng Tử nói đó là “Bình thực”, tách ra có thể ăn, là đồ tốt, chỉ có bá vương mới có duyên nhặt được. Các đại phu nước Lỗ nghe được tin này liền hỏi Khổng Tử: “Sao tiên sinh lại biết?”. Khổng Tử đáp: “Lúc trước ta đi qua nước Triệu, ở một nơi hẻo lánh có nghe qua một bài đồng dao: ‘Sở vương qua sông nhặt được bình thực, to bằng cái đầu, đỏ như mặt trời, cắt ra ăn ngọt như mật’. Lần này quả nhiên ứng nghiệm”.

Ngoài ra trong “Gia ngữ” còn ghi lại rằng, một lần tại nước Tề, có một con chim một sừng bay đến trước cung điện rồi giang cánh bay mất. Tề hầu cảm thấy kỳ lạ, liền phái sứ giả đến nước Lỗ hỏi Khổng Tử.

Khổng Tử nói: “Con chim này gọi là Thương dương, đại diện cho ‘thủy dương’. Lúc trước từng có đứa trẻ đứng một chân (mô phỏng hình dáng con chim) vừa nhảy vừa vẫy hai cánh tay, còn hát rằng ‘Trời đổ mưa to, thương dương cổ vũ’. Bây giờ con chim này xuất hiện ở nước Tề, ắt hẳn muốn báo cho bách tính phải tu bổ đê điều kênh mương, để tránh lũ lụt”. Sau đó quả nhiên trời đổ mưa lớn, các nước láng giềng đều nổi lũ lớn, chỉ có nước Tề có sự chuẩn bị nên tránh được nạn.

  1. “Vong Tần giả, Hồ dã”

Sau khi Tần Thủy Hoàng lập nên triều Tần, lúc nào cũng hi vọng giang sơn luôn bền vững, thiên hạ có thể kéo dài đến ngàn vạn năm. Vậy mà lại vô tình thấy một tấm bia đá bên trên khắc một lời tiên đoán khiến ông ăn ngủ không yên, đó là “Vong Tần giả, Hồ dã”.

Lúc đó quân Hung Nô ở phía Bắc còn rất hùng mạnh, trung nguyên gọi quân Hung Nô là Hồ. Tần Thủy Hoàng liền coi quân Hung Nô chính là mối họa khiến Tần diệt vong, liền phái đại tướng Mông Điềm dẫn theo 30 vạn đại quân Bắc phạt Hung Nô để diệt hậu họa. Mông Điềm đẩy lui quân Hung Nô về phía Bắc, thu lại được phần lớn đất đai bị mất, xây Vạn Lý Trường Thành, để tránh người Hồ xâm phạm về bờ cõi phía Nam.

Công trình to lớn đem lại gánh nặng lớn cho bách tính, dân chúng oán thán khắp nơi, Tần Thủy Hoàng bạo ngược hà khắc. Sau khi Tần Thủy Hoàng bị bệnh mất ở cung Sa Khâu, Tần Nhị Thế Hồ Hợi lật đổ huynh trưởng để lên ngôi kế vị, còn giết hết hơn 20 huynh đệ tỷ muội, thực hiện chế độ thống trị tàn bạo. Trong thời Tần Nhị Thế, các cuộc khởi nghĩa chống Tần nổi lên khắp nơi, triều Tần vì thế mà diệt vong trong tay Hồ Hợi.

Tần Thủy Hoàng cho rằng “Hồ” trong “Vong Tần giả, Hồ dã” là người Hồ, mà lại không ngờ rằng chính là người con trai Hồ Hợi của mình. Đúng là người tính không bằng trời tính, lời tiên tri đã biến thành sự thật.

  1. “Tỉnh thuỷ dật, diệt táo yên, quán ngọc đường, lưu kim môn”

Thời Hán Nguyên Đế, có bài đồng dao sau: “Tỉnh thuỷ dật, diệt táo yên, quán ngọc đường, lưu kim môn”, ý rằng nước giếng tràn, dập khói bếp, tưới ngọc đường, chảy kim môn. Đến thời Hán Thành Đế tháng ba Mậu Tử, năm Kiến Thủy thứ hai, giếng nước ở trong Bắc cung dâng trào, sao đó nước giếng tràn ra ngoài chảy về phía Nam.

Nước giếng, thuộc phần âm; khói bếp, thuộc phần dương; ngọc đường và kim môn là nơi ở của bậc chí tôn, giống như âm thịnh mà dương suy, cung thất bị xâm lấn đã ứng nghiệm. Vương Mãng sinh vào năm Hán Nguyên Đế sơ nguyên thứ tư, được Hán Thành Đế phong hầu, làm Tam công phò tá triều chính, sau đó đã cướp ngôi.

  1. “Yến yến vĩ tiên tiên, Trương công tử, thì tương kiến. Mộc môn thương lang căn, yến phi lai, trác hoàng tôn, hoàng tôn tử, yến trác thi”

Thời Hán Thành Đế có bài đồng dao: “Yến yến vĩ tiên tiên, Trương công tử, thì tương kiến. Mộc môn thương lang căn, yến phi lai, trác hoàng tôn, hoàng tôn tử, yến trác thi”.

Năm Hán Gia Hồng thứ ba, Hán Thành Đế cải trang vi hành, ông thường đi cùng Phú Bình Hầu Trương Phóng, tự xưng là gia nhân của Phú Bình Hầu. Ông đến phủ Dương Hà công chúa chơi, thấy ca nữ Triệu Phi Yến “nhảy múa xuất thần”, liền triệu bà vào cung, hết mực sủng ái, thế nên mới có câu “yến yến vĩ tiên tiên” nghĩa là diện mạo thanh tú xinh đẹp.

“Trương công tử”, ý chỉ Phú Bình Hầu. “Mộc môn thương lang căn”, ý chỉ tiền bạc trong cung, tương lai sẽ có được sự tôn quý. Về sau, Triệu Phi Yến được lập làm hoàng hậu. Em gái của bà là Triệu Chiêu Nghi giết hại hoàng tử hậu cung, sau đó tự sát, đó chính là “yến phi lai, trác hoàng tôn, hoàng tôn tử, yến trác thi”.

  1. “Thiên lý thảo, hà thanh thanh”

Theo ghi chép trong “Hậu Hán thư”, đầu năm nguyên niên Hán Hiến Đế, trong thành Trường An lan truyền bài đồng dao: “Thiên lý thảo, hà thanh thanh. Thập nhật bốc, bất đắc sinh”. Thoạt đầu rất khó để hiểu được ý nghĩa câu này.

“Thiên lý thảo” thực ra là “Đổng” (董), “Thập nhất bốc” là “Trác” (卓), bài đồng dao này nhắc đến Đổng Trác, bất luận cụm từ “thiên lý thảo” hay “thập nhật bốc” đều được chơi chữ từ dưới lên trên, không giống với cách chơi chữ thông thường là từ trên xuống dưới, ẩn ý rằng Đổng Trác sẽ từ hèn mọn leo lên cao, phận bề tôi mà chèn ép vua.

“Thanh thanh” ý là bộc phát, ám chỉ Đổng Trác hung bạo lạm quyền, nhưng lại thất bại nhanh chóng, rơi vào kết cục bi thảm. Vì Đổng Trác ngông cuồng lộng hành nên đã dẫn đến cuộc thảo phạt giữa các chư hầu, cuối cùng bị con nuôi của ông là Lữ Bố giết chết.

.“Bát cửu niên gian thuỷ dục suy, chí thập tam niên vô kiết di”

Những năm đầu Kiến An thời Hán Hiến Đế, tại Kinh Châu có bài đồng dao: “Bát cửu niên gian thuỷ dục suy, chí thập tam niên vô kiết di” (tạm dịch: Tám chín năm bắt đầu suy bại; đến 30 năm không còn lưu lại gì). Ý chỉ rằng triều Hán từ phong trào phục hưng đến nay, chỉ có Kinh Châu là có thể được bảo toàn.

Sau khi Lưu Biểu đến nhậm chức tại Kinh Châu, thì bách tính vẫn có thể sống an lạc vui vẻ, nhưng đến năm Kiến An thứ 9 thì bắt đầu suy bại. Cái gọi là bắt đầu suy bại, là chỉ từ sau khi vợ con của Lưu Biểu chết, các tướng lĩnh cũng lưu lạc suy vong. Còn 30 năm không có gì lưu lại, là chỉ Lưu Biểu chết, Kinh Châu cũng lụi tàn.

Lúc đó huyện Hoa Dung có một người phụ nữ, bỗng nhiên khóc lóc than rằng: “Sắp có đại tang”. Vì lời lẽ kém may mắn, nên huyện lệnh cho rằng đây là những lời tà thuyết mê hoặc quần chúng, liền bắt vào ngục. Hơn một tháng sau, trong ngục bà ta lại khóc lóc nói: “Lưu Biểu và Kinh Châu hôm nay đã tận số”.

Hoa Dung cách Kinh Châu mấy trăm dặm, huyện lệnh lập tức phái người cưỡi ngựa đi kiểm chứng, quả nhiên Lưu Biểu đã chết. Vậy nên huyện lệnh thả bà ta ra. Bà ta tiếp tục ca hát: “Không ngờ Lý Lập là quý nhân”. Không lâu sau, Tào Tháo bình định Kinh Châu, để Lý Lập, tự là Kiến Hiền người quận Trác Châu làm Thích sử Kinh Châu.

8.“Tam công quy vu Tư Mã”

Nước Đông Ngô lực không mạnh, Ngô vương không tín nhiệm bộ hạ, bố trí bắt giữ vợ con của các vị tướng lĩnh trấn giữ biên cương làm con tin ở hậu phương. Hàng ngày có mười mấy đứa trẻ cùng cảnh ngộ chơi đùa cùng nhau.

Tháng 2 năm Vĩnh An thứ ba thời Tôn Hưu, một hôm, có một đứa trẻ khoảng 6, 7 tuổi, mặc áo màu xanh đột nhiên đến chơi đùa với đám trẻ này. Đám trẻ không biết cậu ta, đều hỏi: “Ngươi là con cái nhà ai vậy, sao hôm nay lại đột nhiên tới đây?”. Cậu bé đáp: “Thấy các ngươi chơi vui vẻ, nên ta cũng đến đây chơi!”  

Mọi người nhìn kĩ cậu ta, thì thấy đôi mắt cậu ta phát ra tia sáng rực rỡ. Đám trẻ sợ hãi vội vã hỏi lại. Cậu bé đáp: “Các ngươi sợ ta không? Ta không phải là người Trái Đất, ta là người sao Hỏa, ta có lời muốn nói cho các ngươi biết: Tam công quy vu Tư Mã”, ý rằng thế cục Tam quốc sẽ rơi vào tay nhà Tư Mã.

Đám trẻ hoảng sợ, có đứa chạy đi mách với người lớn, người lớn vội chạy đến xem chuyện gì xảy ra. Cậu bé nói: “Ta đi đây”! Rồi nhún vai bay lên không trung. Mọi người ngẩng đầu nhìn theo, thấy hình như cậu ta túm lấy một mảnh vải để đu lên trời. Mấy người đang chạy tới vẫn nhìn thấy. Cậu ta dần dần bay lên cao, một lúc sau thì biến mất.

Lúc đó pháp lệnh của nước Ngô vô cùng hà khắc, mọi người không dám kể chuyện này ra. Bốn năm sau nước Thục diệt vong, sáu năm sau nước Ngụy bị họ Tư Mã phế bỏ, 21 năm sau nước Ngô bị Tư Mã Viêm đánh chiếm, Tam Quốc thống nhất quy về triều Tấn của họ Tư Mã.

9.“Hoàng chương ca”

Kể từ những năm Như Ý thời Võ Tắc Thiên, trong dân gian lưu truyền bài ca “Hoàng chương ca”, lời bài hát là: “Hoàng chương hoàng chương thảo lý tàng, loan cung xạ nhĩ thương” (Tạm dịch: hoẵng vàng hoẵng vàng ẩn núp trong đám cỏ, bị người giương cung bắn trọng thương). Không lâu sau tộc Khiết Đan nổi dậy, giết chết Đô đốc Triệu Hội, doanh trại và phủ Đô đốc đều bị người Khiết Đan chiếm giữ.

Triều đình ra lệnh cho bốn người là tổng quản Tào Nhân Sư, Trương Huyền Ngộ, Ma Nhân Tiết, Vương Hiếu Kiệt, thống lĩnh hơn một trăm vạn binh mã đi thảo phạt, tất cả đều bị người Khiến Đan đánh bại. Bọn họ dẫn quân bại trận lui về khe Hoàng Chương, nhưng hết thảy đều bị người Khiết Đan giết sạch, không một ai chạy thoát. “Hoàng Chương ca” đã ứng nghiệm.

10.“Dương liễu dao

Sau năm Vĩnh Thuần đời Đường Trung Tông, thiên hạ ngâm nga hát: “Dương liễu dương liễu mạn đầu đà”. Sau đó xảy ra sự kiện Từ Kính Nghiệp, đầu tiên là ông nhậm chức Tư Mã ở Liễu Châu, tiếp đến là ngụy tạo thánh chỉ của hoàng đế, tự bổ nhiệm mình là Tư Mã Dương Châu, giết chết Trưởng sử Trần Kính, chiếm cứ một vùng Giang Hoài để tạo phản. Triều đình phái Lý Hiếu Dật đi thảo phạt, chặt đầu Từ Kính Nghiệp, dùng ngựa thồ về Lạc Dương. Chuyện này đã nghiệm chứng câu ca “Dương liễu dương liễu mạn đầu đà”.

11.“Khả liên an nhạc tự, liễu liễu thụ đầu huyện”

Trong những năm Cảnh Long thời Đường Trung Tông, công chúa An Lạc dâm lạc vô độ, đã dùng ngân lượng quốc khố để xây dựng phủ của mình một cách xa hoa phung phí, trong phủ mới hào hoa còn xây An Lạc tự nguy nga đồ sộ, tiêu tốn mấy trăm vạn lượng bạc trắng. Lúc đó có lưu truyền bài đồng dao: “Khả liên an nhạc tự, liễu liễu thụ đầu huyện” (tạm dịch: Thảm thương An Lạc tự, thủ cấp treo đầu cây). Sau đó, Đường Huyền Tông giết bè lũ Vi hoàng hậu, đồng thời giết công chúa An Lạc, rồi mang đầu treo trên sào tre, và gọi bà là “tà đạo thứ dân”.

12.“Bát nguyệt vô sương tắc thảo thanh”

Trong những năm Hi Tông triều Đường, thành Trường An lưu truyền bài đồng dao: “Bát nguyệt vô sương tắc thảo thanh, tướng quân kỵ mã xuất không thành. Hán gia thiên tử tây tuần thú, do hướng giang đông canh tác binh”. Lúc đó, Hoàng Sào đang nổi loạn, Đường Hi Tông cả ngày buồn bã không vui. Nghe thấy bài đồng dao này, mặc dù không hiểu rõ nghĩa, nhưng cũng biết rằng không phải điềm lành.

Theo lý giải trong sử sách, “Bát nguyệt vô sương tắc thảo thanh” là nói cỏ vẫn chưa úa vàng (Hoàng), ám chỉ rằng vẫn chưa gặp Hoàng Sào, đợi thêm một thời gian nữa, gặp sương sẽ úa vàng, lúc đó sẽ gặp Hoàng Sào. “Tướng quân kỵ mã xuất không thành” ngầm khuyên Hi Tông phải lập tức trốn khỏi thành Trường An. “Hán gia thiên tử tây tuần thú, do hướng giang đông canh tác binh” chính là tiên đoán sau khi Hi Tông trốn về Tứ Xuyên, phái sứ giả đến Giang Đông điều binh cứu giá.

13.“Mạc trục yên, trục yên nhật cao phi, cao phi thượng đế kỳ!”

Sau khi Minh thái tổ Chu Nguyên Chương mất, cháu của ông là Kiến Văn Đế kế vị, đồng thời bắt tay thực hiện chính sách ‘tước phiên’ để củng cố thế lực cho bản thân. Sau khi trừ khử mấy phiên vương có thế lực nhỏ bé, liền chĩa mũi nhọn về Yên vương Chu Lệ – người nắm giữ trọng binh.

Chu Lệ đảm nhiệm trọng trách đầy lùi quân Mông Cổ, là một phiên vương có ảnh hưởng lớn, nhưng lần này, mặc dù đã giả điên nhưng vẫn không tránh khỏi tước phiên. Cuối cùng Yên vương Chu Lệ đã khởi binh đánh bại Kiến Văn Đế, tấn công Nam Kinh, làm hoàng đế.

Trong thời gian Kiến Văn Đế thực hiện chính sách tước phiên, từng có một đạo sĩ điên hát ngâm nga trên đường, “Mạc trục yến, trục yến nhật cao phi, cao phi thượng đế kỳ!”. Sau khi chuyện kết thúc mọi người mới vỡ lẽ rằng, “Mạc trục Yên” là chỉ không được bức ép Yên vương, nếu không Yên vương ắt sẽ đạt được vị trí cao, cuối cùng làm hoàng đế. Đó chính là ý nghĩa của cụm “trục yên nhật cao phi, cao phi thượng đế kỳ”.   

14. Bài đồng dao dự ngôn về vận mệnh của ba vị Thừa tướng

Trong thời kỳ Nguyên Hòa (Đời nhà Đường), Vũ Nguyên Hành và Lý Cát Phủ là hai người cùng tuổi và nhậm chức tể tướng trong cùng một ngày. Họ lại còn cùng nhậm chức trấn thủ biên cương, một người được phân đến lãnh đất Dương Châu, một người được phân đến lãnh đất Cái Châu. Đến khi Lý Cát Phủ trở lại kinh thành, Vũ Nguyên Hành cũng trở lại. Lý Cát Phủ chết trước một năm, chết vào tháng mà Vũ Nguyên Hành được sinh ra. Một năm sau đó, Vũ Nguyên Hành cũng bị giết hại vào tháng mà Lý Cát Phủ được sinh ra, lúc chết ông được 58 tuổi. Trước lúc xảy ra sự việc này, ở Trường An có mấy đứa trẻ đọc bài đồng dao: “Đả mạch, mạch đả, tam tam tam”, sau đó xoay người nói: “Vũ hoàn liễu!”. Có người giải thích: “Đả mạch” chính là nói về thời gian thu hoạch lúa mạch, còn “Mạch đả” ý tứ chính là công kích bất ngờ sau lưng, “Tam tam tam” chính là ngày 3 tháng 6. “Vũ hoàn liễu” [1] chính là Vũ Nguyên Hành đã chết rồi. Phản tặc đã ám sát Vũ Nguyên Hành, lấy đầu của ông ta. Vũ Nguyên Hành vừa mới từ quận Thục trở về, Hỏa Tinh xâm phạm Tướng Tinh, thầy tướng nói: “Đối với ba vị tể tướng đều bất lợi, lúc đầu thì nhẹ, về sau thì nặng”. Một tháng sau, Lý Giáng vì mắc bệnh ở chân nên đã từ quan. Vào tháng 10 năm sau, Lý Cát Phủ đột ngột qua đời. Qua năm tiếp theo thì Vũ Nguyên Hành cũng bị giết hại. (Theo “Cảm định lục”)

15. Dự ngôn đồng dao không rõ nguồn gốc

Người xưa dùng “Đồng dao” để tiên đoán một số sự việc, đều có nguyên nhân cả. Một là để lưu truyền rộng rãi, bởi vì “Đồng dao” rất được mọi người ưa thích, giống như một trò chơi, đồng thời có thể được lưu truyền ra rất nhanh. Thứ hai là khó tìm ra nguồn gốc, trẻ con tuổi còn nhỏ, không nói được rõ là ai đã truyền cho chúng (thông thường là có cao nhân hóa thân thành trẻ con rồi truyền bá ra), làm như vậy có thể bảo hộ người đã lưu truyền dự ngôn. Thứ ba, trên thực tế, tất cả các dự ngôn đều dùng cách nói ẩn dụ, rất khó có thể giải đáp những ẩn đố này trước khi sự việc xảy ra. Thông thường là sau khi sự việc qua đi rồi người ta mới hiểu được.

Vì thế những lời tiên tri có liên quan đến ngày hôm nay còn nhiều hơn, phương thức lưu truyền cũng trở nên phong phú. Ví dụ tảng đá chân tướng tiên đoán sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được phong bế nhiều năm, nhưng đến ngày nay nó lại tách mở ra. Loại dự ngôn này rất thú vị. Còn có dự ngôn của Lưu Bá Ôn trong “Bia văn tháp Kim Lăng” được phát hiện khi Tưởng Giới Thạch cho đào tháp Kim Lăng; Còn có một dự ngôn khác là sau trận động đất, lăng mộ của Lưu Bá Ôn bị chấn động mở ra mới phát hiện được. Phương thức lưu truyền dự ngôn như thế này vô cùng kỳ diệu.

…………..

Chú thích: [1] “Vũ hoàn liễu” nghĩa là múa xong rồi, chữ Vũ ở đây nghĩa là múa, vũ trong vũ đạo. Nhưng chữ 舞 (vũ) nghĩa là múa cũng đồng âm với chữ 武 (Vũ) chỉ họ Vũ ông Vũ Nguyên Hành nên cũng có thể hiểu là ông Vũ xong rồi (chết).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941