Trang chủ » NHÂN SINH

NHÂN SINH

NHÂN SINH

Nhơn-sanh là giống của trời gieo
Xuống thế si mê chịu phận nghèo
Nghèo tánh, nghèo tâm, nghèo đạo-đức;
Mau tìm Đạo-Lý thoát cơn eo.
Cơn eo đeo-đẳng chịu thân hèn
Tánh tục, tâm phàm, sống đã quen
Muốn biết con đường về cội phúc
Tìm Thầy chỉ mối Đạo Thiêng-Liêng
Thiêng-Liêng ân độ kẻ chơn tu

Mở khóa phàm thân thoát ngục tù
Một kiếp “Chơn-Thân”là vĩnh kiếp
Bỏ đời qua Đạo tiến êm ru.

Nhân sinh là Thái cực. Thái cực động thì sinh dương làm hỏa, hỏa là thần. Thái cực tịnh thì sinh âm làm thủy, thủy là tinh. Thần hỏa, tinh thủy hợp đúng phép thì kết lại làm căn bản cho nguyên khí, ở giữa khoảng hai trái thận.
Chúng ta trước khi sinh ra, cái khí bẩm thanh trọc là do nơi Trời phú, chứ con người không can dự việc đó. Mà khi đã sinh rồi, cái nhân phẩm tà chính do nơi người tạo ra cho mình, chứ Trời chẳng chủ trương được nữa.
Trời Đất sinh người, hạng thượng trí vẫn ít, mà hạng hạ ngu cũng ít, duy có bậc trung nhân rất nhiều. Trung nhân hay tự cường, nghĩa là ráng hết sức mình, cùng thượng trí sẽ đồng bậc. Trung nhân mà tự khí, nghĩa là đánh liều thân mình (nhận mình là kẻ vô dụng, không muốn làm gì) cũng hạ ngu chẳng khác chi.
Nay người ta chỉ biết mình là nhờ cha mẹ sinh ra, mà chẳng biết ta và cha mẹ ta, cùng Trời Đất, đều nhờ Đạo sinh ra. Cho nên người quân tử trước phải cầu Đạo, đặng rồi mới không hổ với Trời Đất, thẹn với cha mẹ.
Tử Cống nói rằng: “Cái Đạo của vua Văn, vua Vũ chưa sa tới đất (mất biệt), còn ở nơi người” (Tử Cống viết: Văn Vũ chi đạo vị trụy ư địa, tại nhân. Chẳng phải nói người đời Xuân Thu mà thôi, cũng chỉ người đời nay. Chẳng phải nói người đời nay mà thôi, cũng chủ người đời sau nữa.
Nhất nhân sinh lai hữu nhất thân,
Nhất thân giai hữu nhất chân nhân.
Chân nhân linh diệu thông thiên địa,
Chân nhân thanh tịnh vô ai trần.
Chân nhân tự cổ bất tăng giảm,
Chân nhân từng lai mạc tử sinh.
Đãn năng dưỡng đắc chân nhân tựu,
Thắng như bần tử hoạch vạn cân.
Nghĩa là:
Mỗi người sinh ra có một thân,

Một thân đều có một chân nhân.
Chân nhân linh diệu thông Trời, Đất,
Chân nhân tịnh thanh dứt bụi trần.
Chân nhân từ trước không tăng giảm,
Chân nhân đến nay chẳng tử sinh.
Chỉ lo dưỡng được chân nhân ấy,
Hơn đứa khó nghèo gặp vàng cân.
Mạnh tử nói rằng: Chỗ con người ta khác với loài cầm thú, chỉ có một chút. Kẻ thứ dân bỏ ra, còn người quân tử giữ lấy chút ấy (Mạnh tử viết: Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả, kỉ hi; thứ dân khử chi, quân tử tồn chi. Chút ấy là chân tính hoặc gọi là chân nhân như trên đó cũng được. Giữ nó thì thành Thánh, thành Hiền, bỏ nó thì làm chim, làm thú. Đương lúc bỏ nó ra, tức thì biến làm chim, thú (biến trong tâm), chẳng phải đợi chết rồi hay là đến kiếp sau. Như nay Trời có ngũ hành, là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Chẳng ngừng gọi là hành (đi). Nếu ngừng một chút, thì hết gọi là hành nữa. Như nay người có ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Chẳng biến đổi gọi là thường. Một niệm vừa biến thiên, thì hết gọi là thường nữa.
Nhưng ngũ hành, ngũ thường này đều có đủ trong mình ta, tức là ngũ tạng: tâm, can, tì, phế, thận (Trái tim, lá gan, lá lách, buồng phổi, trái cật. Tì là lá lách, chứ chẳng phải bao tử. Bao tử, tàu gọi là vị. Tì là tạng, vị là phủ. Vì tì vị cả hai đều thuộc về bộ phận tiêu hóa, nên người ta hay nói luôn tì vị). Ngũ tạng đây là gốc lớn sinh con người. Nếu phạm đến gốc lớn này thì không thể nào sống được. Cho nên thầy thuốc rành nghề trị bệnh, thì trước phải điều hòa ngũ tạng. Khi phát ra trong việc làm hằng ngày thì gọi là ngũ luân: Quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu (Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn). Ngũ luân này là cái đạo thông dụng trong thiên hạ. Bỏ cái đạo thông dụng nói đây, thì còn gì là con người nữa. Cho nên các tiên vương dạy người, thì trước lo chỉ rõ cái lý ngũ luân. Còn người đời nay có kẻ quên thân thể, bỏ nhân luân để mà cầu Đạo. Thiệt họ chẳng biết cái quấy đó. Kẻ thế thấy vậy thất kinh lấy làm quý lạ, mà tôn sùng hạng người ấy, thì cũng là không biết cái quấy đó nữa.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Khí bẩm có thanh trọc là do nơi Trời, nhân phẩm có tà chính là do nơi mình. Chỗ này nói ra được rất hay. Một lúc có ngừng, không thể gọi là hành. Một niệm vừa biến, không thể gọi là thường. Chỗ này nói ra được lại càng hay hơn nữa”.

Trích Dưỡng Chơn Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941