Trang chủ » Phương pháp luận tổng quát Lá Số Tử Vi

Phương pháp luận tổng quát Lá Số Tử Vi

Phương pháp luận tổng quát Lá Số Tử Vi

A, Quan sát tổng quát 1 lượt khắp lá số (đừng có tạo thói quen xấu là cầm lstv lên lại cắm cúi ngay vào xem mỗi cung Mệnh hay mỗi cung nào đó đang quan tâm):

1, Thuận lý hay Nghịch lý giữa [Năm sinh với Tháng sinh]; giữa [Ngày sinh với Giờ sinh].

Trong mỗi cặp so sánh, nếu các yếu tố cùng thuộc dương thì thuận lý, còn một dương một âm thì nghịch lý. Nếu cả 4 yếu tố đều thuộc âm hay đều thuộc dương là rất tốt vì được thuần cách âm dương tính. Thuận lý thì độ số tăng, nghịch lý thì độ số giảm.

2, Tương Sinh hay Tương Khắc giữa [Năm sinh với Tháng sinh]; giữa [Ngày sinh với Giờ sinh].

So sánh về Sinh Khắc của Nạp Âm Ngũ Hành các yếu tố trong từng cặp xem thế nào: Nếu năm tương sinh cho tháng thì tốt; ngày tương sinh cho giờ thì tốt. Nếu Năm sinh cho Tháng, Tháng lại sinh cho Ngày, Ngày sinh cho Giờ thì rất tốt, số đại quý.

3, Hợp hay Phá giữa [Năm sinh với Tháng sinh]; giữa [Ngày sinh với Giờ sinh].

So sánh về sinh khắc của Ngũ Hành đơn theo Thiên Can của các yếu tố trong từng cặp. Hợp thì độ số tăng mà Phá là độ số giảm.

* Nhận xét: Từ các điểm 1, 2, 3, thì ta có thể phân biệt được sự khác nhau và độ số cao thấp của 2 lá số giống hệt nhau nhưng sinh cách nhau 60 năm. Bởi lẽ Can-Chi của ngày khác nhau (đồng nghĩa với Can của Giờ cũng khác nhau). Lại có cả những trường hợp 2 lá số giống hệt nhau nhưng chỉ sinh cách nhau 12 ngày hoặc 24 ngày trong cùng tháng cùng năm và trùng cả giờ sinh, điều này chỉ xảy ra với Thủy Nhị Cục (6 trường hợp) và Thổ Ngũ Cục (12 trường hợp), và sự lệch nhau theo số ngày như trên làm cho 4 sao Thai Tọa Quang Quý đóng vào vị trí giống nhau theo vòng lặp, để phân biệt sự khác nhau về độ số của các lá số trùng lặp này, rất đơn giản là nhìn vào Thiên Can của Ngày (và Giờ), bởi vì lặp lại 12 & 24 ngày chính là lặp lại về Địa Chi của ngày nhưng đối với Thiên Can của ngày thì lại không bị lặp lại giống nhau. Đây là điều trọng yếu mà trước giờ ít người biết đến hoặc không để ý đến, hoặc là có biết nhưng không nói lộ ra.

4, Tương Sinh hay Tương Khắc giữa [Bản Mệnh với Cục].

Bản Mệnh = hành khí nạp âm của cả năm. Ví dụ, người sinh Quý Tị có Bản Mệnh là Thủy. Thì khí Thủy làm chủ của cả năm Quý Tị này.

Hành của Cục = hành khí nạp âm của tháng (trong năm mà đương số sinh ra) – chính là nơi mà an cung Mệnh vào đó.

Nếu mà Mệnh Cục tương sinh hoặc tỉ hòa với nhau thì được đánh giá là một yếu tố tốt – làm tăng độ số, không cần phân biệt quá chi tiết xem Mệnh sinh Cục tốt hơn hay Cục sinh Mệnh thì tốt hơn. Còn nếu như Mệnh Cục tương khắc thì cần đánh giá đây là một yếu tốt kém – làm giảm độ số, cũng không cần phân biệt quá chi tiết xem Mệnh khắc Cục xấu hơn hay Cục khắc Mệnh xấu hơn.

Lưu ý: đã xét sinh khắc của Ngũ Hành thì đồng thời phải chú ý đến Âm Dương tính của chúng, mà Âm Dương tính của Bản Mệnh với Cục chính là bước ngay sau đây.

4+, Thuận lý hay Nghịch lý giữa [Năm sinh với Cung an Mệnh].

Sinh năm dương và Mệnh an cung dương; sinh năm âm và Mệnh an cung âm; đều là thuận lý. Cứ trái nhau về âm dương là nghịch lý.

Thực chất thì đây cũng chính là xét đến Âm Dương tính của Bản Mệnh với Cục, nếu như Mệnh Cục tương sinh và Âm Dương thuận lý thì độ số tăng mạnh (độ số là thuật ngữ chung chung chỉ về cường độ của khí lực) nếu Cách Cục tốt nữa thì sẽ lực phát rất nhanh mạnh, nếu Cách Cục xấu thì cũng là yếu tố cứu vớt cho đỡ bị chết non. Nếu như Mệnh Cục tương sinh nhưng Âm Dương nghịch lý thì có Cách Cục tốt vẫn chậm phát hoặc không phát lớn vì lực phát yếu, còn Cách Cục mà xấu thì cũng không cứu được nhiều. Nếu như Mệnh Cục tương khắc mà Âm Dương nghịch lý thì Cách Cục tốt vẫn sẽ phát nhưng rất chậm, do cái khắc khác tính Âm Dương không ác liệt, nếu Cách Cục xấu thì cũng chưa chắc đã chết non mà có thể cứu được. Nếu như Mệnh Cục tương khắc mà Âm Dương thuận lý thì cái khắc cùng tính Âm Dương này rất mãnh liệt, Cách Cục tốt thì vẫn không được hưởng nhiều mà phát thì cực chậm lại chẳng thể phát lớn, còn một khi Cách Cục xấu mà Mệnh cung lại còn ở chỗ Tuyệt khí thì chết non, khó cứu.

Lưu ý: Sách của Thái Thứ Lang còn nói “Sinh Giờ dương mà Mệnh an cung dương là thuận lý”. Từ cách an cung Mệnh, ta thấy khi sinh tháng dương thì giờ cũng phải thuộc dương thì cung Mệnh mới đóng ở dương cung, khi sinh tháng âm thì giờ sinh phải là dương thì Mệnh mới an ở cung âm được. Cho nên sự so sánh về thuận nghịch lý âm dương của [Giờ sinh với cung an Mệnh] không cần phải quan tâm nữa.

5, Mối quan hệ giữa [Hành của Bản Mệnh với Cung an Mệnh]

Nếu cung Mệnh ở vào vị trí Sinh Vượng của ngũ hành Bản Mệnh thì tốt. Thấy tốt rồi thì xét thêm đến tinh đẩu trong cung Mệnh (xem mục 6 bên dưới) xem miếu vượng hay không, có thành cách cục hay không,… Cần chú ý rằng, ở đây chúng ta không xét sự sinh khắc về Ngũ Hành của Bản Mệnh với cung an Mệnh, mà chúng ta xét vị khí cung an Mệnh nằm ở chỗ nào, thời kỳ nào trong 12 trạng thái vượng suy theo khí Ngũ Hành của Vòng Tràng Sinh Bản Mệnh.

Nếu như cung Mệnh ở vào vị trí Bại Suy Tử Tuyệt của ngũ hành Bản Mệnh thì xấu. Nhưng ở vào chỗ này, nếu như được ngũ hành của Chính Tinh tương sinh cho Bản Mệnh thì lại được cứu giải.

Ví dụ như Mệnh Thủy mà cung Mệnh an tại Thân (khỉ) là Sinh địa, an tại Dậu là Bại địa, an tại Hợi Tý là chỗ Thịnh Vượng, an tại Sửu là Suy, tại Dần là Bệnh, tại Mão là Tử, tại Tị là Tuyệt địa.

Mệnh Thủy mà Mệnh an tại Tị, có sao thuộc hành Kim ở đó là sẽ được cứu giải, vì Kim tương sinh cho Thủy.

Sách viết:

– Nam cư Sinh Vượng tối yếu đắc địa, Nữ cư Tử Tuyệt chuyên khán Phúc Đức.

(Nam nhân mệnh ở chỗ Sinh Vượng thì tối quan trọng phải xem tinh đẩu có đắc địa chăng,

Nữ nhân mệnh ở chỗ Tử Tuyệt thì phải xem chuyên sâu vào cung Phúc Đức).

– Mệnh tối hiềm lập vu bại địa, Tài nguyên khước phạ phùng Không Vong.

(Mệnh rất sợ an vào chỗ bại địa, Tài tinh tài cung thì ghét gặp phải Không Vong).

– Sinh phùng bại địa, phát dã hư hoa. Tuyệt xứ phùng sinh, sinh hoa bất bại.

(Mệnh cư chỗ bại địa là như hoa sớm nở tối tàn. Mệnh ở chỗ tuyệt địa nhưng được tương sinh thì không thể suy tàn sớm được).

5+, Thuận hay không thuận của [Bản Mệnh với Mùa sinh].

Bản Mệnh Mộc sinh mùa Xuân mộc, Bản Mệnh Hỏa sinh mùa Hạ hỏa, Bản Mệnh Kim sinh mùa Thu kim, Bản Mệnh Thủy sinh mùa Đông thủy, Bản Mệnh Thổ sinh vào tứ Quý thổ (18 ngày cuối mỗi mùa) đều gọi là Mệnh được Vượng.

Bản Mệnh Mộc sinh mùa Đông thủy, Bản Mệnh Hỏa sinh mùa Xuân mộc, Bản Mệnh Kim sinh tứ Quý thổ, Bản Mệnh Thủy sinh mùa Thu kim, Bản Mệnh Thổ sinh vào mùa Hạ hỏa, đều gọi là Mệnh được Tướng.

Vượng Tướng là thuận, độ số được gia tăng. Còn Hưu Tù Tử Tuyệt đều bất thuận, độ số giảm.

Lưu ý: Đây là xét Ngũ Hành Nạp Âm của Bản Mệnh với Ngũ Hành theo “phương Cục” lại khác với trường hợp so 2 Nạp Âm với nhau. Vì đây là xét thiên về Khí chứ không coi Số làm trọng nữa. Bởi vì ngũ hành của “phương Cục” không phải là Ngũ hành nạp âm, mà nó là Khí điển hình của Mùa trong năm.

6, Chính Diệu thủ (ở cung) Mệnh:

* Miếu hay Hãm.

Các sao miếu vượng thì hay, nếu như lạc hãm thì dở. Nhưng miếu vượng mà gặp Không Vong thì dở mà lạc hãm gặp Không Vong thì lại hay.

Cái này, sách gọi là “Tinh luận miếu vượng tối phạ không vong, Sát lạc không vong cánh vô uy lực”.

(Luận các sao, đã miếu vượng thì rất sợ gặp phải Không Vong, còn Sát tinh mà gặp Không Vong thì không đáng ngại vì nó chẳng có uy lực gây họa gì nữa).

Miếu và Hãm còn liên quan rất trọng yếu đến mức độ cát hung, người xưa phân chia thành các mức độ là Hư và Thực:

Cát tinh ở nơi miếu vượng là thực cát, nhất định là có tốt lành. Còn cát tinh ở nơi hãm địa thì là hư cát, không phát huy được tính tốt, mà còn thể hiện tính xấu, mặt trái của nó.

Hung tinh ở nơi hãm địa là thực hung, nhất định là có tính hung sát, gây ra tai nạn, bệnh tật,…

Hung tinh ở nơi miếu vượng là hư hung, vì là hư hung nên chẳng đáng sợ, nó còn phát huy và bổ xung được tính quyết liệt mạnh mẽ tích cực lên cách cục, người làm nên đại sự không thể thiếu vắng sự quyết liệt của hung tinh đắc địa. Sách nói “hung tinh đắc địa phát dã như lôi” chính là vì như vậy.

Và sách cũng nói “Hung bất giai hung, cát vô thuần cát” (Hung thì không có lúc nào nó cũng hung, Cát thì cũng chẳng phải lúc nào cũng thuần là cát), chính là nói đến cái Hư Thực về tính Cát Hung của các sao vậy.

* Hợp hay không so với Bản Mệnh về âm dương tính.

Tức là xét xem tính Nam Bắc đẩu của Chính tinh và đương số là Âm Dương Nam Nữ như thế nào.

Nam đẩu tác phúc cho Dương nam Âm nữ. Bắc đẩu thì tác phúc cho Âm nam Dương nữ.

* Sinh hay Khắc so với Bản Mệnh về ngũ hành tính.

Tức là xét sinh khắc về ngũ hành của Chính tinh thủ Mệnh với Bản Mệnh. Chính Tinh đồng hành hoặc tương sinh cho bản Mệnh thì hay, còn nó tương khắc với Mệnh thì dở.

Sách gọi là:

Tinh lâm miếu vượng, tái quan sinh khắc chi cơ.

Mệnh tọa cường cung, tế sát chế hóa chi lý.

(Sao đã lâm vào nơi miếu vượng, lại cần xét xem then chốt của sinh khắc.

(Mệnh đóng vào cường cung, cần quan sát kỹ cái lý chế hóa).

Ở mục 6 này, lẽ ra tôi sẽ viết luôn Phép Luận Chủ Khách, nhưng vì nó dài quá, sẽ khiến cho anh chị em học viên khó nắm bắt 12 điều tổng quát, nên tôi cắt ra để riêng.

7, Tốt hay Xấu giữa [cung Mệnh với cung Thân].

Sách nói:

– Yếu tri nhất thế chi vinh khô, định khán ngũ hành chi cung vị.

Lập mệnh khả tri quý tiện, an thân tiện hiểu căn cơ.

(Nên biết rằng tươi tốt hay khô héo của một đời được định bởi việc xem ngũ hành cung vị. Chỗ lập Mệnh có thể thấy được sang quý hay tiện-hèn kém, nơi an Thân có thể hiểu được căn cơ của bản thân đương số.

Một đời vinh nhục bại thành

Cần xem tường tận ngũ hành của cung

Lập Mệnh quý tiện định chung

An Thân biết có vẫy vùng được chăng).

– Vinh giả phú quý dã, khô giả bần tiện dã, nhân sinh nhất mệnh chi trung nhi kiến chi dã, thử tinh cát tá tinh cát vận hạn cát, tắc nhất sinh an nhiên.

(Người phú quý thì vinh vậy, kẻ bần tiện thì nhục vậy, xem trong số mệnh của con người mà biết vậy. Chủ tinh cát, phụ tá tinh cát, vận hạn cũng cát thì sẽ được một đời an nhiên tự tại).

– Mệnh hảo Thân hảo Hạn hảo đáo lão vinh xương,

Mệnh suy Thân suy Hạn suy chung thân khất cái.

(Mệnh tốt, Thân tốt, Hạn tốt thì tới già vẫn được vinh quang hưng thịnh,

Mệnh suy, Thân suy, Hạn suy thì cả đời chỉ có đi ăn mày).

– Mệnh Triệt, Thân Tuần, tu cần Vô hữu chính tinh, vãn niên vạn sự hoàn thành khả đãi.

Mệnh Tuần, Thân Triệt, hoan đắc Văn đoàn hữu thủ, phú quý danh tài cánh phát chung niên.

(Mệnh Triệt, Thân Tuần, rất cần Vô Chính diệu, cuối đời thì vạn sự có thể thành công.

Mệnh Tuần, Thân Triệt, mừng được Cơ Nguyệt Đồng Lương, cuối đời phát công danh phú quý).

– Mệnh Không, Thân Kiếp, lai hội song Hao, ư nhân Mệnh vô chính diệu, thiểu học đa thành,

mạc ngộ Phúc Ấm, Hao tinh Thân Mệnh, niên thọ nãi cầu vượng hưởng.

(Mệnh Không, Thân Kiếp, lại hội Song Hao, người Mệnh cung VCD thì thông minh, học 1 biết 10,

Nếu mà Mệnh cung lại có Đồng Lương hay Phá Quân ở Thân Mệnh thì đừng hòng đòi hưởng thọ).

– Mệnh Kiếp, Thân Không, nhi giao Hồng Nhận, ư tuế Mệnh lạc chính tinh, tiền đồ đa khổ,

nhi hữu Âm Dương, Đế diện Mệnh Thân, chung niên Phúc hoạnh sinh tài.

(Mệnh Kiếp, Thân Không, lại hội Hồng với Kình ở cung Mệnh có chính tinh lạc hãm là nửa cuộc đời ban đầu lắm khổ đau, thậm chí có thể chết non.

Nếu như có Nhật Nguyệt hay Tử Vi sáng sủa chiếu về Mệnh Thân thì cuối đời bỗng nhiên lại giàu).

– Thân Mệnh đồng cung, tối hiềm nhập Mộ, hoặc ư Tuyệt xứ bất kiến chính tinh,

tu cần tả hữu Vượng Sinh hòa nhập, biến hung thành cát, chung thân vượng hưởng phúc tài.

(Mệnh Thân đồng cung, rất kị ở nơi Mộ địa hoặc ở chỗ Tuyệt địa, mà lại không có chính tinh,

Mà trường hợp này rất cần ở 2 bên cánh trái phải – tức Tài Quan, là chỗ Sinh Vượng địa có các cát tinh để tương trợ biến hung thành cát, như vậy cuối đời mới được hưởng phúc, được giàu sang).

– Mệnh Thân đồng tọa, như tại Hỏa cung, hoặc lâm Hợi địa, đồng vô chính diệu,

khủng kiến Mã Hình Linh Kiếp, thử chung hoa khai ngộ vũ, mãn thế phi bần tắc yểu.

(Mệnh Thân đồng cung tại Tị Hợi mà lại VCD thì sợ nhất là gặp Mã, Hình, Linh, Kiếp

Như thế là cảnh hoa mới nở gặp ngay mưa gió vùi dập, cả đời nếu chẳng nghèo thì sẽ chết non).

8, Tốt hay Xấu của cung Phúc Đức.

Sách nói:

Phú, Thọ, Quý, Vinh, Bần, Yểu, Ai, Khổ do ư Phúc trạch cát hung.

(Giàu nghèo, thọ yểu, sang hèn, vinh nhục, đều là do cát hung ở cung Phúc cả).

Đem phối hợp với Mệnh cung mà đoán.

9, Vị trí của Chính Diệu ở 12 cung: [Miếu hay Hãm]; [đúng Vị hay sai Vị].

Miếu hãm thì như đã nói ở phần trên, còn đúng Vị thì có nghĩa là Tài tinh đóng ở Tài cung, Quyền tinh Quý tinh đóng ở Quan cung, Phúc tinh Ấm tinh đóng ở Phúc cung Phụ Mẫu cung,…

10, Vị trí của Tứ Hóa trên 12 cung: Có được việc hay không.

Hóa Quyền hóa Khoa thì đóng ở cung Quan cung Mệnh, Hóa Lộc thì đóng ở cung Điền cung Tài. Hóa Kị đóng nơi Tứ Mộ địa hoặc đồng cung Thanh Long, hoặc đồng cung Âm Dương sửu mùi, hoặc đồng cung Liêm Tham tị hợi,… đó đều là được việc cả.

11, Vị trí của Lục Sát Tinh (Kình Đà, Linh Hỏa, Kiếp Không).

Sát tinh ở nơi đắc địa thì hay, còn ở chỗ hãm thì dở, mà đã hãm thì chớ có lâm vào Mệnh Tài Quan.

Xem thêm phần nói về đắc hãm và hư thực cát hung của sao ở mục 6.

12, Đại Hạn 10 năm vận hành trên 12 cung.

Sách nói:

Thương, Tang, Hình, Khổn, Hạnh, Lạc, Hỷ, Hoan thị lại vận hạn cát hung.

(Vui buồn sướng khổ chính là do Vận Hạn gặp các Sao/ Cách cục cát hay hung)

Đem phối hợp với Mệnh cung mà đoán.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941