Trang chủ » Rùa trong nền văn hóa phương đông

Rùa trong nền văn hóa phương đông

Rùa và văn hóa phương đông

          Chúng ta đều biết, rùa là con vật được người Trung Quốc thời cổ đại tôn sùng và ưa thích. Từ thời Ân Thương đến đời Tống, rùa luôn có sắc thái tôn quý thần bí, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống của con người. Lục Du (陸游), thi nhân đời Nam Tống lúc về già đã tự đặt cho mình tên hiệu là Quy Đường (龜堂), ông lại còn dùng mai rùa để làm mũ đội. Nhưng đến thời Nguyên trở đi, thân phận con rùa đã dần bị giảm giá trị trở thành con vật mà ai cũng không thích. Và chữ “Quy” đã trở thành từ dùng để thoá mạ. Tư liệu sớm nhất mà chúng ta biết được về điều đó chính là nhờ hai câu thơ trong bài Phế gia tử tôn thi (廢家子孫詩) trong tập Xuyết Canh lục (輟耕錄) quyển 28 của Đào Tông Nghi (陶宗儀), một học giả cuối đời Nguyên đầu đời Minh :

Trạch quyến giai vị xanh mục thố

Xá nhân tổng tác súc đầu quy

宅眷皆為撑目兔  (Người trong nhà đều là thỏ trơ mắt

舍人總作縮頭龜   Bọn xá nhân hết thảy đều là rùa rút cổ)

Theo truyền thuyết dân gian, con thỏ nhìn mặt trăng mà có chửa, cho nên : “Xanh mục thố” dùng để chỉ con gái không chồng mà chửa. Còn “Súc đầu quy” là để chỉ bọn đàn ông nhát gan, để vợ mình thông dâm với kẻ khác, đồng nghĩa với từ “Vương bát” ngày nay. Vương Sĩ Chân (王士禛) đời Thanh cho rằng việc kỵ huý chữ Quy là bắt đầu từ đời Minh. Cách nói này chưa chính xác.

Nguyên nhân vì sao chữ  “Quy” lại trở thành từ dùng để thoá mạ? Nhìn chung có hai cách giải thích :

          Một : Theo Tạ Tại Hàng (謝在杭) người thời Minh đã viết trong Ngũ tạp trở (五雜俎) rằng : Vì rùa không có khả năng giao phối, để mặc cho con cái giao phối cùng với rắn. Vì thế gọi chồng của người đàn bà là Quy.

          Hai : Theo Trung Quốc dân tục đại quan (中國民俗大觀) quyển hạ (NXB Quảng Đông _ Lữ Du. 1988) cho rằng :

           Đời Đường bọn đàn ông con trai ở nhạc hộ (loại kỹ viện của các quan) đều vấn khăn xanh trên đầu, mà đầu rùa cũng có sắc xanh. Vì thế dùng “Quy” để chỉ bọn đàn ông ở kỹ viện và loại đàn ông có vợ ngoài tình.

          Với hai cách giải thích chúng ta thấy chưa thoả đáng. Vì rằng : Với truyền thuyết về rùa chỉ có khả năng giao phối với rắn thì từ thời Hán đã lưu hành rộng rãi; mà khả năng nguồn gốc của truyền thuyết đó có thể đã xuất hiện vào thời Tiên Tần.

 

Trong Thuyết văn (說文) Hứa Thận (許慎) đã viết rằng :

Thiên địa chi tính, quảng kiên vô hùng, quy miết chi loại dĩ xà vi hùng

天地之性, 廣肩無雄, 龜鼈之類以它為雄 (Mang đặc tính của trời đất, phần vai rộng, toàn là con cái không có con đực. Loài quy, miết lấy rắn đực làm phối ngẫu)

           Cho nên thể chữ Triện của chữ “Quy” chúng ta thấy có chữ “xà” (它) ở trong đó. Điều này đã cho thấy từ thời Tiên Tần đã có quan niệm rùa lấy rắn làm con đực. Với Nhị thập bát tú, bốn loài động vật được xem là đại biểu, tức tứ tượng gồm:

           Đông phương là ThanhLong (蒼龍)

           Nam phương là Chu Tước  (朱雀)

           Tây phương là Bạch Hổ  (白虎)

           Bắc phương là Huyền Vũ (玄武)

Trong Phong thủy thì có Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ.

           Huyền Vũ chính là hình tượng rắn rùa giao hợp. Ở bài Viễn du (遠遊) trong Sở từ (楚辭), Hồng Hưng Tổ (洪興祖) đời Tống đã bổ chú rằng :

      Thuyết giả viết: Huyền Vũ vị quy xà. Vị tại Bắc phương, cố viết Huyền, thân hữu lân giáp, cố viết Vũ. “Văn tuyển”chú vân : “Quy dữ xà giao viết Huyền Vũ”

說者曰 : 玄武謂龜蛇. 位在北方 , 故曰玄, 身有鱗甲, 故曰武. « 文選 » 注云 : « 龜與蛇交曰玄武 »

          (Có thuyết cho rằng : Huyền Vũ là quy xà. Ở tại phương Bắc, cho nên gọi là Huyền, thân có vảy mai, cho nên gọi là Vũ. Ở sách “Văn tuyển”, chú rằng “rùa và rắn giao hợp gọi là Huyền Vũ”)

           Quan niệm về Tứ tượng đã có từ giai đoạn đầu thời chiến Quốc. Điều này cũng nói lên rằng cách nói rùa lấy rắn làm con đực đã có từ rất lâu. Thế nhưng từ thời Tiên Tần mãi cho đến đời Tống, giá trị của con rùa vẫn cứ được xem trọng. Chỉ đến thời Nguyên, giá trị của nó mới bị giảm sút. Còn như cho nguyên nhân là do bởi bọn đàn ông con trai ở nhạc hộ thời Đường vấn khăn xanh mà ra thì cũng chưa có bằng chứng xác đáng. Vả lại việc kỵ huý bắt đầu từ đời Nguyên, thế thì trước đó, đời Đường, đời Tống tại sao lại không kỵ huý?

          Giá trị về thân phận của rùa bị suy giảm và chữ “Quy” trở thành từ dùng để thoá mạ là do những nguyên nhân sau :

          Thứ nhất :

          Rùa từ chỗ thần bí trở thành phàm tục, đó là kết quả của việc thần quyền và mê tín từ chỗ hưng thịnh đi đến chỗ suy tàn. Điều này có tính tất yếu trong lịch sử. Thời đại Ân Thương là thời đại mà quỷ thần phiếm loạn, mê tín thịnh hành. Bất kỳ sự việc lớn nhỏ nào, người thời Ân cũng đều hỏi ý kiến các vị thần linh. Chính vì thế, rùa đã trở thành một loại thần khí đắc dụng, bởi vì họ đã phát hiện đặc tính sống lâu của loài rùa. Chữ “Quy” (con rùa) và chữ “Cửu” (lâu dài) thời thượng cổ có âm đọc tương đồng và đều thuộc vận mẫu “Kiến”. Lưu Hướng trong Dịch – Hệ từ nghĩa (易 – 系辭義) đã viết rằng :

          Quy chi ngôn cửu. Quy thiên tuế nhi linh, dĩ kỳ trường cửu, cố năng biện cát hung dã.

龜之言久. 龜千歲而靈, 以其長久, 故能辨吉凶也

         (Quy được gọi là Cửu. Quy sống ngàn năm nên linh thiêng. Vì sống trường cửu nên phân biệt được cát hung)

            Trong Luận Hành – Bốc Phệ (論衡 – 卜筮) cũng ghi rằng :

           Khổng Tử viết : « Phù Thi chi vi ngôn Kỳ dã, Quy chi vi ngôn Cựu dã »  Minh cô nghi chi sự đương vấn kỳ cựu dã.

孔子曰 : « 夫蓍之為言耆也, 龜之為言舊也 ». 明孤疑之事當問耆舊也

           (Khổng Tử bảo rằng : “Bói bằng cỏ Thi gọi là Kỳ, bói bằng mai rùa gọi là Cựu”. Muốn rõ những việc mình còn nghi ngờ nên hỏi ở Kỳ Cựu).

          Sống được lâu biết nhiều hiểu rộng, có thể biết được cát hung hoạ phúc. Ngoài ra, loài rùa còn có thể nhịn ăn trong suốt một thời gian dài, đây cũng chính là đặc điểm để giá trị của rùa được nâng cao. Đến thời Chu, đối với uy quyền của Thần Thánh, con người lúc bấy giờ lại sinh ra nghi ngờ và họ đã chủ trương Kính đức bảo dân . Từ chỗ kính thiên đạo đi đến trọng nhân sự. Đây là một bước tiến lớn về mặt tư tưởng tôn giáo của người thời Chu. Vào thời Chu,  việc dùng cỏ Thi để bói thay cho cách bói bằng mai rùa vì giản tiện và dễ thực hiện cũng đã phản ánh được lòng tin đối với rùa đã có sự sút giảm.

           Sau thời Xuân Thu chiến quốc, lòng tin của con người đối với năng lực của bản thân lại càng gia tăng. Sự mê tín vào quỷ thần ngày càng sút giảm. Tư tưởng dân là gốc ngày càng lớn mạnh. Khổng Tử đã từng nói :

Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị trí hỹ

務民之義, 敬鬼神而遠之, 可謂智矣

           (Cốt ở chỗ làm việc nghĩa cho dân, kính trọng quỷ thần nhưng tránh xa ra, có thể gọi là trí rồi đó…)

                                                            (Luận ngữ – Ung Dã 論語 – 雍也)

           Tuỳ Đại phu là Quý Lương (季梁) cũng đã nói rằng :

           Phù dân, thần chi chủ dã. Thị dĩ Thánh Vương tiên thành dân nhi hậu trí lực vu thần

夫民, 神之主也. 是以聖王先成民而後致力于神

           (Dân là chủ của Thần. Vì thế bậc Thánh Vương trước tiên phải làm cho dân, sau đó mới hết sức vì thần).

                                               (Tả Truyện – Hoàn công lục niên 左傳 – 桓公六年)

           Đến Tuân Tử (荀子) càng chỉ rõ rằng :

Nhật nguyệt thực nhi cứu chi, thiên hạn nhi Vu, bốc phệ nhiên hậu quyết sự. Phi dĩ vi đắc cầu dã, dĩ văn chi dã. Cố quân tử dĩ vi văn, bách tính dĩ vi thần. Dĩ vi văn tắc cát, dĩ vi thần tắc hung 

日月食而救之, 天旱而雩, 卜筮然後决事. 非以為得求也, 以文之也. 故君子以為文, 百姓以為神. 以為文則吉, 以為神則凶

          (Nhật thực nguyệt thực thì cầu khấn, trời hạn thì làm lễ cầu mưa, bói rồi sau đó mới quyết định sự việc. (Những việc đó) không phải cốt để có được điều cầu mong mà là để trang sức cho lễ. Cho nên bậc quân tử coi đó là việc trang sức cho lễ, mà bách tính coi đó là việc quỷ thần. Coi là trang sức thì tốt, mà coi là quỷ thần thì hung).

                                                (Tuân Tử – Thiên Luận 荀子天論)

         Từ khi Tuân Tử đề xuất khẩu hiệu “Chế thiên mạng nhi dụng chi” (制天命而用之) (Thiên luận), đến Vương Sung (王充) đời Hán viết Đính quỷ (訂鬼) rồi đến Phạm Chẩn (范縝) thời Nam  triều đề xuất lý luận “Thần diệt”, tư tưởng vô thần ngày càng phát triển địa bàn và ảnh hưởng của quỷ thần dần bị thu hẹp. Trong tình hình đó, sự linh thiêng của rùa cũng dần đi xuống.

          Thứ hai :

         Quan niệm về trinh tiết cũng đã trải qua một quá trình lịch sử, từ không đến có, từ phóng túng đến nghiêm nhặt.

         Trước khi chế độ một vợ một chồng được xác lập, không tồn tại quan niệm trinh tiết.Chỉ sau khi chế độ một vợ 1 chồng được xác lập, quan niệm về trinh tiết mới được hình thành, xuất phát từ yêu cầu kế thừa tài sản tư hữu, duy trì lợi ích của gia tộc, người nối dõi phải là huyết thống của chính mình. Có thể nói quan niệm trinh tiết chính là những chuẩn mực hành vi được xuất hiện nhằm bảo vệ huyết thống thuần nhất. Những quan niệm trinh tiết hoàn toàn không phải từ khi xuất hiện cho đến nay đều mang tính nghiêm túc. Ở Trung Quốc từ đời Hán đến đời Đường, quan niệm về trinh tiết đối với mọi người vẫn chưa có sự ràng buộc chặt chẽ. Trong các sử sách đều có ghi chép những việc dâm bôn của những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc như :

– Quán Đào công chúa (館陶公主) cô của Hán Vũ Đế

– Ngạc Ấp cái chủ (鄂邑蓋主) chị của Hán Vũ Đế

– Sơn Âm công chúa (山陰公主) chị của Tiền Phế đế thời Nam Triều.

– Vương Thái hậu (王太后) mẹ của Úc Lâm Vương nhà Tề

– Võ Tắc Thiên (武則天) đời Đường

         Trần Đông Nguyên (陳東原) trong Trung Quốc phụ nữ sinh hoạt sử (中國婦女生活史) đã nhận xét rằng :

Thực tế đích trinh tiết quan niệm, Đường thời thượng bất thậm chú trọng

實際的貞節觀念, 唐時尚不甚注重

          (Quan niệm trinh tiết thực tế vào thời Đường hãy còn chưa chú trọng lắm)

Nhìn chung, từ đời Đường trở về trước, về mặt lý luận, tuy quan niệm trinh tiết đã được xác lập từ rất sớm nhưng trên thực tế cuộc sống hoàn toàn không có những quy phạm đạo đức ràng buộc, bắt con người phải tuân thủ một cách nghiêm nhặt. Phải đợi đến đời Tống, khi các nhà Lý học như Chu Đôn Di (周敦頤), Trình Hạo (程顥), Trình Di (程頤), Chu Hy (朱熹) đề xướng : “Chết đói là việc nhỏ, thất tiết mới là việc lớn”, quan niệm về trinh tiết mới có những chuẩn tắc ràng buộc chặt chẽ. Từ đời Tống trở về sau, cải giá là một sự sỉ nhục, xét sâu xa hơn có liên quan đến việc dâm ô. Trong bối cảnh văn hoá như thế, nếu người đàn bà nào tư thông với kẻ khác thì đó là sự sỉ nhục đối với người chồng. Xã hội cần có một từ để chỉ loại đàn ông như thế và chữ “Quy” đã được chọn để đóng một vai trò không vẻ vang gì.

            Thứ ba :

           Với bản thân loài rùa, sự tôn quý hoặc sút giảm về giá trị của chúng có liên quan mật thiết đến trình độ nhận thức của con người.

          Thông thường, hễ vật gì lạ thì thiêng, vật gì hiếm thì quý. Thời cổ đại dân tộc Hoa Hạ ở phía Bắc Trung Quốc, nơi đó rất ít rùa. Những con rùa to lớn mà giai cấp thống trị có được phần lớn là do phương Nam  tiến cống. Trong các sách vở xưa đều có ghi chép về việc này, chẳng hạn như :

Quy bất kỳ Nam để (trí) ? 龜不其南氐 (致) ?

(Rùa không phải từ phương Nam đưa đến sao? 

(Ân khư bốc từ, Tiền 4.54.4)

Hữu lai tự Nam để quy ? 有來自南氐龜 ? (Có người từ phương Nam tới dâng rùa)

(Ân khư bốc từ, Ất  6670)

Cửu giang nạp tích (hiến) đại quy 九江納錫 (獻) 大龜 (Vùng Cửu giang dâng lên rùa lớn) (Thượng Thư – Vũ Cống)

Cảnh bỉ Hoài di

Lai hiến kỳ sâm

Nguyên quy tượng xỉ

Đại lộ Nam kim

憬彼淮夷來獻其琛元龜象齒大賂南金

(Rợ Hoài di kia đã giác ngộ

Đến cống hiến những vật quý báu

Như rùa to và ngà voi

Đem vàng ở phương Nam tặng biếu rộng rãi nữa) (Thi – Lỗ tụng – Phán thuỷ)

( Kinh thi (Tạ Quang Phát dịch), tập 3, tr 1783)

           Thời kỳ Ân Thương, đối với dân tộc Hoa Hạ, rùa là một loài động vật quý hiếm. Họ hiểu biết về nó rất ít khi nghe được hoặc ngẫu nhiên nhìn thấy rùa rắn đấu với nhau, họ tưởng chúng đang giao phối nên mới có hình tượng thần Huyền Vũ. Đến khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc, hai miền Nam Bắc giao tiếp với nhau ngày càng nhiều, văn hoá Nam Bắc cũng được giao lưu nhiều, họ dần nhận thức được rùa cũng có con đực. Do bởi rùa thường chỉ giao phối vào ban đêm lúc cuối xuân, khó mà bắt gặp, cho nên mọi người vẫn cứ tin vào thuyết xưa rùa lấy rắn làm con đực.

            Mọi người quan sát thấy đầu rùa cũng có động tác co duỗi rất giống với dương vật, vì thế họ đã liên tưởng rùa với dương vật và mối liên hệ này không thể tách rời. Người xưa còn phát hiện trong miệng rùa không có răng, rất phù hợp để nói “Vô sỉ”. “Vô sỉ” không biết sỉ nhục, âm đọc rất gần với “Vô xỉ” không răng.

Ai cũng đều biết rằng, trong việc tu thân tề gia luôn nhớ đến 8 chữ :

Hiếu 孝), Đễ (悌), Trung (忠), Tín (信), Lễ (禮), Nghĩa (義), Liêm (廉), Sỉ (恥).

          Vì Sỉ là chữ đứng hàng thức 8, cho nên đã có hiện tượng mượn từ “Vong bát” (quên chữ thứ 8) để thay cho từ “Vô sỉ”. “Vong bát” chính là “Vô sỉ” và rùa lại có thêm biệt danh là “Vong bát”. Đàn ông có vợ không trinh tiết cũng bị gọi là “Vong bát”.

          Để thấy được tác dụng thúc đẩy quá trình rùa bị giáng xuống phàm tục khi con người đã biết rõ về tập tính của nó, chúng ta có thể so sánh giữa rùa với ba con vật còn lại trong Tứ linh.

          Tứ linh tức : Lân, Phụng, Quy, Long. Bốn con vật này nguyên trước đây là những động vật có thể thấy được trong cuộc sống.

          – Với Lân, trong Thuyết văn ghi rằng :

Lân, đại mẫu lộc dã 麟大牡逯也

(Lân là con nai đực lớn)

         Trong Xuân thu (春秋) Ai Công năm thứ 4 cũng ghi rằng :

Xuân, tây thú hoạch Lân  春西狩獲麟

(Mùa Xuân, đi săn ở hướng Tây được con Lân)

           – Còn Phụng, là một loại chim lớn. Trong Bốc từ có ghi:

Hoạch phụng 獲鳳

(Bắt được chim Phụng) (Giáp : 3112)

Trong “Trung đỉnh” (中鼎) thời Sơ Chu cũng có khắc bài minh Quy sinh phụng vu vương (歸生鳳于王)

           – Chữ Long, trong Giáp cốt văn cũng đã xuất hiện. Từ góc độ hình dáng của chữ mà xem xét :

          “Đó là một loại động vật bò sát, hình dạng giống rắn, thân tương đối dài” (Theo Triệu Thành : “Giáp cốt văn giản minh từ  điển”)

          Trong Bốc từ cũng có ghi:

Hoạch long 獲龍  (Hậu : 41.2)

          Ở Tả truyện (左傳) Chiêu công năm thứ 29 ghi rằng :

Thu, Long hiện vu Giáng giao 秋龍見于絳郊 (Mùa thu, rồng hiện ra ở đất Giáng)

            Sử quan là Sái Mặc ( 蔡墨) đã giải thích rằng : Cổ giả súc long. Cố quốc hữu Hoạn long thị, hữu Ngự long thị 古者畜龍. 故國有豢龍氏, 有御龍氏

(Ngày xưa nuôi rồng. Cho nên trong nước có họ Hoạn Long, họ Ngự Long)

          Về sau Lân, Phụng, Long đã dần thoát khỏi thế giới phàm tục, tiến vào thế giới thần bí, về hình dáng cũng đã tổng hợp những đặc điểm của nhiều loài khác. Chính vì thần bí nên luôn mang màu sắc linh thiêng, chỉ có Quy do bởi được dùng trong việc bói toán nên không thể thoát ly thế giới phàm tục. Và sự hiểu biết của con người về rùa ngày càng tăng, cho nên tính chất linh thiêng của rùa đã bị giảm sút.

          Nhưng nguyên nhân được xem là trực tiếp về việc rùa bị kiêng kỵ đó là bởi tồn tại tập tục đội khăn chịu nhục.

          Ở Trung Quốc từ thời cổ đại đã có tập tục này. Ban Cố (班固) trong Bạch Hổ thông -Ngũ hình (白虎通 – 五刑) đã ghi rằng vào thời thượng cổ:

Phạm mặc giả mông cân  犯墨者蒙巾

(Kẻ phạm tội Mặc phải đội khăn).

           Mặc (墨) tức Mặc hình – thích dấu hiệu lên mặt – là một trong năm loại hình phạt của ngày xưa. Thời đó những ai phạm tội Mặc sẽ đội khăn vấn đầu màu đen. Đầu có vấn khăn đen là một sự sỉ nhục. Thời Tiên Tần đám hạ dân bị gọi là “Kiềm thủ” (黔首 – đầu đen), có liên quan đến tập tục này. Từ đời Hán trở về sau, đầu vấn khăn xanh là biểu thị kẻ tiện nhân. Đời Nguyên quy định rõ, bọn đàn ông con trai ở kỹ viện phải vấn khăn xanh để phân biệt. Khăn xanh vấn đầu đó được gọi là “Thanh đầu cân” hoặc “Lục đầu cân”. Đời Minh theo chế độ quy định của đời Nguyên, vẫn bắt bọn đàn ông con trai ở kỹ viện vấn khăn xanh. Ngày nay gọi bọn đàn ông mà vợ không trinh tiết là “Kẻ đội mũ xanh” chính là bắt nguồn từ chế độ của hai triều Nguyên _ Minh. Trên mai rùa rất dễ bị rêu xanh bám, loại rùa này được gọi là “lục mao quy” hoặc “thanh mao quy”. Trong Tống sử – Nhạc chí nhất (宋史 – 樂志一)

Hoà Châu tiến lục mao quy

和州進綠毛龜

(Vùng Hoà Châu tiến cống lục mao quy)

          Trong Nam Tề thư  – Tường thuỵ chí (南齊書 – 祥瑞志) có ghi:

         Vĩnh Minh ngũ niên, Võ Kỵ Thường Thị Đường Tiềm thướng thanh mao quy nhất đầu. Thất niên lục nguyệt, Bành Thành quận điền trung hoạch Thanh mao quy nhất đầu 永明五年, 武騎常侍唐潛上青毛龜一頭. 七年六月, 彭城郡田中獲青毛龜一頭.

          (Niên hiệu Vĩnh Minh năm thứ 5, quan Võ Kỵ Thường Thị là Đường Tiềm dâng lên một con Thanh mao quy. Tháng 6 năm thứ bảy, tại quận Bành Thành, bắt được một con Thanh mao quy trong ruộng).

          Trong bài thơ Đông Pha (東坡) thứ 8, của Tô Thức  (蘇軾) có câu :

Quát mao quy bối thượng

Hà thời đắc thành chiên 刮毛龜背上何時得成氊

(Cắt lông trên mai rùa Đến bao giờ mới may thành tấm chăn)

        Thi Nguyên Chi (施元之) đã chú dẫn lời của Phó Đại Sĩ (傅大士) trong Kim Cang kinh tụng (金剛經頌) :

Như  quy mao bất thực

Tự thố giác vô hình 如龜毛不實 似兔角無形

(Giống như lông rùa là không có thật- Như sừng thỏ cũng chỉ là vô hình)

         Lông rùa đã đi vào ngạn ngữ được các văn nhân thường sử dụng, điều này đã nói lên được việc rêu xanh bám trên mai rùa là hiện tượng quen thuộc. Nó giống như khăn xanh, rất dễ dàng liên tưởng đến khăn xanh vấn đầu của bọn đàn ông con trai ở kỷ viện. Rùa và đàn ông vốn đã có mối liên hệ gắn bó từ rất lâu, giờ lại thêm một tầng liên hệ nữa. Xem ra dùng rùa để chỉ bọn đàn ông mà vợ mình lại thông dâm với kẻ khác là hợp tình hợp lý. Như vậy, nguyên nhân chữ “Quy” trở thành từ dùng để thoá mạ bao gồm :

– Hoàn cảnh lớn : đó là sự suy thoái của thần quyền và mệ tín, cũng với diễn tiến của quan niệm về trinh tiết và nhận thức của con người đối với loài rùa.

– Bối cảnh nhỏ : đó là đặc điểm sinh lý của loài rùa cùng những quy định về cách phục sức quan phương.

          Nếu không có hoàn cảnh lớn, sự tôn quý của loài rùa sẽ không có lý do để suy giảm. Và nếu không có bối cảnh nhỏ thì rùa tuy tầm thường nhưng khó trở nên thấp kém. Cho nên chỉ có liên hệ hoàn cảnh lớn và bối cảnh nhỏ lại với nhau mới có thể khiến cho chúng ta có những nhận thức tương đối toàn diện và cách giải thích tương đối đầy đủ về hiện tượng loài rùa từ thân phận cao quý bị giáng xuống thấp hèn.

           Riêng với hình tượng rùa đội bia trong văn hoá kiến trúc Trung Hoa và Việt Nam, người ta đã mượn ý nghĩa tích cực của nó. Nội dung được khắc trên bia đá đều là những việc đáng được mọi người kính trọng và cần được lưu truyền mãi. Bia cũng cần phải đứng trên một tấm bệ vững chắc và mang tính thẩm mỹ cao. Với tính chất linh thiêng có từ ngàn xưa, đặc điểm trường thọ và đặc điểm về hình dáng, rùa đã đáp ứng được những yêu cầu về mặt kiến trúc và giá trị văn hoá của một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bia đá. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã chọn rùa làm công việc này.

          Tóm lại, có thể thấy rằng, chữ “Quy” và hình tượng rùa đã tồn tại song song hai ý nghĩa  văn hoá tích cực lẫn tiêu cực, trái ngược hẳn với Long, Lân hay Phụng. Do đó, đặt hình tượng rùa vào trong hoàn cảnh nào để có thể có được một trong hai ý nghĩa đã phân tích trên là hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chúng ta. Dù sao, cùng với những hình tượng khác, hình tượng rùa vẫn  in đậm dấu ấn khá đặc biệt trong văn hoá, văn học Việt Nam và Trung Hoa.

                                                              TG    Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn, tháng 12 /2006.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1-DƯƠNG LÂM (1996), Hán ngữ từ hội dữ Hoa Hạ văn hoá, NXB Ngữ văn, Bắc Kinh, Trung Quốc. (Bản Trung văn)

2-HÙNG QUANG NGHĨA (chủ biên), Trung Quốc Thành ngữ đại từ điển, Viễn Đông đồ thư công ty ấn hành. (Bản Trung văn)

3-HỨA THẬN (Hán) (1996), Thuyết văn giải tự, Trung Hoa thư cục xuất bản. (bản Trung văn)

4-NGUYỄN TÔN NHAN (2002), Từ điễn Hán Việt văn ngôn dẫn chứng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, HCM.

5-THIỀU CHỬU (1993), Hán Việt tự điển, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, HCM.

6-Từ Hải, Thượng Hải Phúc châu lộ, Trung Hoa thư  cục xuất bản, năm 1967 (Bản Trung văn)

7-Từ điển Trung – Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941