Trang chủ » trong vạn việc ác thì tà dâm là việc ác đứng đầu

trong vạn việc ác thì tà dâm là việc ác đứng đầu

Bách thiện hiếu vi tiên

“Hiếu kinh” viết rằng: “Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất và là đạo hạnh của con người”. “Hiếu” là lẽ thường của thiên đạo xoay chuyển, là cái lý của đất nâng đỡ vạn vật, là đức hạnh mà con người nhất định phải thực hành.
Cha mẹ yêu thương con cái vừa là thiên tính vừa là nghĩa vụ, con cái hiếu kính cha mẹ là trách nhiệm, cũng là đạo làm người phải có. Một người nếu không có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, thì sẽ không có khả năng yêu thương người khác thực sự, càng không thể có tâm để ý tới sự hưng suy của xã hội, quốc gia. Bởi vậy mới nói “Bách thiện hiếu vi tiên”, cái gốc của sự thiện lương nằm ở chữ Hiếu.
Suốt mấy ngàn năm lịch sử, văn hóa truyền thống luôn đề cao lòng hiếu thảo của con người. Phàm là người hiếu kính với cha mẹ đều được mọi người tôn sùng, kính trọng và tán dương. Trong xã hội xưa, từ Thiên tử đến thần dân đều phải tận sức làm tròn bổn phận hiếu kính của người con đối với cha mẹ mình.
Sử sách ghi lại rất nhiều tấm gương hiếu đạo của người xưa, khiến chúng ta đọc lên phải tự thấy không bằng.
Vào triều đại nhà Thanh, ở cửa nam của huyện Vĩnh Thanh có một người ăn mày tên là Tiểu Trương. Mọi người thường gọi cậu là Trương ăn mày. Tiểu Trương sinh ra trong một gia đình bần cùng, cha mất sớm, mẹ mù lòa. Từ sau khi cha mất, Tiểu Trương đành phải dựa vào ăn xin để nuôi mẹ. Hai mẹ con họ không có nhà để ở nên đã trú tạm tại một ngôi miếu cổ cũ nát trong làng.
Một ngày nọ, tuyết rơi phủ trắng mặt đất. Quan tri huyện là Ngụy Kế Tề tình cờ đi qua ngôi miếu cổ cũ nát kia và nghe thấy tiếng hát từ bên trong truyền ra. Âm điệu tuy không phải là tuyệt hay, đặc sắc nhưng lại rất tình cảm, vui tươi và cảm động lòng người. Vị quan tri huyện liền tiến lại xem thì nhìn thấy một tên ăn mày đang cầm một chén rượu, quỳ gối dâng lên trước mặt một bà lão. Tên ăn mày vừa gõ vào bát, vừa cất lời hát, bà lão nở nụ cười ấm ấp.
Tiểu Trương nhìn thấy vị quan huyện đang ngó xem thì có chút giật mình, sau lại đáp rằng: “Thưa ngài, kẻ hèn mua vui cho mẹ.”
Ngụy Kế Tề nghe xong, cảm khái nói: “Ta sống đến từng này tuổi rồi mà còn chưa từng làm trò tiêu khiển cho mẹ vui như tên ăn mày này!” Về sau, ông cũng đem chuyện này kể lại cho mọi người, ai nấy đều cảm động trong lòng và lấy đó làm bài học cho mình.

Vạn ác dâm vi thủ

Người xưa cho rằng trong vạn việc ác thì tà dâm là việc ác đứng đầu và cũng là việc ác phải chịu quả báo nặng nề nhất, bởi vì căn nguyên của vạn cái ác trong thế gian không ngoài nguyên do xa hoa dâm đãng.

Người thời nay, nhất là giới trẻ, dù ít dù nhiều đều thường có tâm háo sắc phóng túng. Cổ nhân còn có một câu nói: “Sắc tự đầu thượng nhất bả đao”, trong Hán tự thì trên đầu chữ sắc là một cây đao. Một người bị sắc dục ảnh hưởng thì nhất định không có khả năng tự hạn chế, cuộc đời người ấy cũng sẽ dần dần xuất hiện lệch lạc, thậm chí làm nguy hại xã hội, tạo ra sự rối loạn và bất an cho xã hội. Trái lại, người không bị sắc dục chi phối thường là một người lương thiện, bởi họ đối với bản thân tự nhiên cũng có yêu cầu nghiêm khắc  hơn, tự ràng buộc được mình, phẩm cách của họ cũng cao thượng hơn.

Người không thể khống chế được ham muốn dục vọng của bản thân thì thuận theo đó những dục vọng không tốt khác cũng liền đến, hơn nữa vĩnh viễn không thỏa mãn được. Người ấy cũng sẽ thiếu đi liêm sỉ, không biết xấu hổ. Nếu không thể dừng lại thì cuối cùng người ấy sẽ tạo ra những ác nghiệp không thể vãn hồi.
Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện kể về kết cục của việc dâm dục. Cuốn “Khoa danh khuyến giới lục” ghi chép rằng:
Bùi Chương là người ở Hà Đông, Sơn Tây. Cha của Bùi Chương là bạn thân thiết của Đàm Chiếu pháp sư. Pháp sư Đàm Chiếu là người tinh thông tướng thuật. Ông xem tướng Bùi Chương, thiên đình đầy đặn, địa các tròn trịa, công danh sự nghiệp trong tương lai nhất định có thành tựu lớn.
Năm Bùi Chương 20 tuổi, anh ta lấy vợ tên là Lý Thị. Năm sau, Bùi Chương đến Thái Nguyên làm quan còn người vợ ở nhà. Mấy năm sau, Bùi Chương gặp lại pháp sư Đàm Chiếu, ông hết sức kinh ngạc nói: “Mấy năm trước, ta nhìn cậu có tướng hiển quý sao bây giờ lại đổi khác như vậy? Thiên đình đầy đặn của cậu trước đây sao bây giờ lại hõm vào như vậy? Địa các vốn tròn trịa sao bây giờ lại nhọn như vậy? Hơn nữa, lòng bàn tay còn có vùng khí đen, e rằng sẽ gặp họa, cậu nên đề phòng. Tướng của cậu trở nên như vậy, không biết là cậu đã làm việc thiếu đạo đức gì?“
Bùi Chương nghe xong liền ngẫm nghĩ lại những việc làm của mình mấy năm qua. Nghĩ đi nghĩ lại, Bùi Chương chỉ thấy duy nhất một việc trái với luân thường đạo lý là đã có hành vi dâm dục với một người phụ nữ ở Thái Nguyên, còn lại không làm việc gì thất đức cả.
Pháp sư Đàm Chiếu thở dài một hơi rồi nói: “Cậu vốn có tiền đồ rạng rỡ, vậy mà lại không biết trân quý mà cùng người phụ nữ khác hành dâm. Cậu đúng là đã tự hủy hoại phúc đức của mình, thật là quá đáng tiếc!“
Ít lâu sau, đúng như lời pháp sư nói, tai họa ập xuống Bùi Chương. Lúc anh ta đang tắm rửa thì bị người lẻn vào hành thích, con dao đâm trúng vào bụng mà chết. Không ai biết nguyên nhân khiến Bùi Chương bị đâm chết. 

Vào triều Minh, ở Ninh Ba tỉnh Chiết Giang có một thư sinh tên là Tôn Đạo, do gia cảnh bần hàn nên lấy việc dạy dỗ trẻ con làm nghề nghiệp kiếm sống. Sau đó vì không giữ được chức nghiệp này, bèn gửi thân nơi nhà họ Trương ở Đường Tây, giúp sao chép viết lách, đổi lấy chút cơm áo sống qua ngày. Tuy thân trong cảnh thanh bần, nhưng trước sau vẫn kiên trì chính trực, không thay đổi tiết tháo thanh bạch của mình.

Một hôm lúc đêm khuya, nhà họ Trương có một nữ tỳ, lớn lên có chút nhan sắc, nhìn thấy Tôn Đạo tuy ăn mặc giản dị nhưng mặt mày khôi ngô tuấn tú, cử chỉ nho nhã, bất giác xuân tình dập dờn, mới lẻn vào phòng Tôn Đạo định gạ gẫm quan hệ bất chính. Tôn Đạo sau khi biết ý đồ cô gái, liền dùng lời lẽ nghiêm khắc cự tuyệt: “Cô nương hãy bỏ ngay ý nghĩ sai lầm ấy! Phải biết quý trọng thanh danh của mình chứ! Tôi là người đọc sách Khổng Mạnh, nghe theo lời dạy nam nữ thụ thụ bất thân, lẽ nào đi làm cái việc thú tính đồi phong bại tục như thế! Xin cô mau đi đi cho!” Nói rồi trừng mi trợn mắt, mở rộng cửa để cô gái bước ra. Cô nữ tỳ đành chịu, thẹn thùng bước ra cửa mà đi.

Nào ngờ cảnh này đã bị ông thầy tư thục phẩm hạnh không đoan chính của nhà họ Trương thấy được. Ông ta thấy cô gái mỹ miều như hoa, nên lợi dụng cơ hội này tìm cớ lén hẹn hò cô nữ tỳ. Sau khi làm việc cẩu thả không lâu, ông thầy tư thục bỗng nổi mụn nhọt, không thuốc trị được, đau quá bèn bỏ dạy về nhà điều trị. Quả báo tà dâm đến ngay lập tức, quả nhiên rõ như ban ngày! Lẽ nào chưa đủ khiến người đời sau lấy làm gương?

Vị thầy tư thục đi rồi, chủ nhà mời Tôn Đạo làm thầy dạy con của họ. Một ngày nọ, Tôn Đạo chạm mặt người chú ở Giang Khẩu. Người chú kinh ngạc nói: “Có một việc kỳ quái mà ta tìm cháu để nói. Vì con ta mắc bệnh nặng, ta đến miếu hoàng thành cầu khấn, tối hôm ấy ta có một giấc mộng rõ ràng. Mộng thấy lão thành hoàng ngồi trên điện, hô hoán thuộc hạ cải mệnh cho một số người được định sẵn là sẽ bị chết đói. Khi đọc đến khoảng người thứ mười mấy, ta nghe thấy tên cháu. Ta trộm hỏi vị minh quan, vì sao Tôn Đạo có thể cải mệnh? Minh quan nói: ‘Bản mệnh người này, năm 46 tuổi sẽ chết đói ở xứ người. Vì đêm ngày 18 tháng 4 năm nay, anh ta nghiêm khắc cự tuyệt dâm bôn với tỳ nữ, tích được đại âm đức, bởi thế kéo dài thọ mệnh hai kỷ (một kỷ là 12 năm), đổi từ chết đói thành lộc tịch’. Cháu nhớ lại xem, có đúng cháu từng cự tuyệt tỳ nữ dâm bôn hay không?”

Tôn Đạo lặng lẽ gật đầu thừa nhận là có chuyện đó.

Sau đó, thuận theo việc học sinh theo học Tôn Đạo ngày càng nhiều, tiền học học sinh nộp mỗi năm mấy trăm lạng bạc. Đến năm Vạn Lịch thứ 36 triều Minh, Tôn Đạo 46 tuổi, cũng chính là năm cần cải mệnh chết đói, quả nhiên xảy ra mất mùa, giá gạo trở nên rất đắt, người nghèo hoàn toàn không có tiền mua, khi ấy người chết đói rất nhiều. Tuy nhiên Tôn Đạo không chỉ thoát được kiếp này, mà cuộc sống còn hết sức dư dả. Đến những năm cuối đời, phủ họ Tôn đã trở thành cự phú, ứng nghiệm với điều mà minh quan gọi là “lộc tịch”. Năm 70 tuổi, ứng nghiệm với câu “kéo dài thọ mệnh hai kỷ”, Tôn Đạo không bệnh mà mất.

Từ đó mà thấy, đúng là:

Trên đầu ba thước có trời xanh, Hành vi phòng kín Thần nhìn rõ;

Cự nữ dâm bôn âm đức lớn, Thọ thêm hai kỷ bất hư truyền;

Xin khuyên người đời mau thủ đức, Trời ban Thần tặng phúc lộc toàn.

Ngẫm chuyện xưa xét việc nay mà cảm khái vô cùng. Dưới sự đầu độc của thuyết vô thần, hiện nay ở Trung Quốc, quan viên hủ bại, tham lam tột độ, dân chúng cũng bị cuốn theo, trong dòng dơ bẩn của đồi trụy mà như cá gặp nước, tự cảm thấy vui vẻ lắm. Nào là tình dục ngoài hôn nhân, tình một đêm, bao bồ nhí, ở với nhau không cần kết hôn, sống thử, v.v. có thể nói là loạn bát nháo cả rồi.

Vạn ác dâm vi thủ, thiện ác hữu báo thị thiên lý, đây là định luật bất di bất dịch của Trời, không phụ thuộc ý chí con người. Vậy thì thử nghĩ xem: cổ nhân cự nữ dâm bôn tích đức được phúc báo thọ thêm hai kỷ, phóng túng tà dâm tổn âm đức gặp phải báo ứng như thế nào? Hỡi những ai lạc đường, hãy mau thanh tỉnh đi thôi! Triệt để vứt bỏ hành vi tà dâm đồi bại, trở về khí tiết chính đạo trọng đức, chính khí trời đất trường thịnh bất suy, thì may mắn lắm thay!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941