Trang chủ » Nguồn Gốc của trà và việc uống trà

Nguồn Gốc của trà và việc uống trà

Nguồn Gốc của trà và việc uống trà

Chuyện kể rằng vào thuở tam giới còn sơ khai, trên thiên thượng mở một pháp hội để bàn việc con người sẽ sinh tồn và phát triển ra sao ở không gian tầng thấp. Tham gia pháp hội lúc đó có Thần cai quản môi trường vật chất ở không gian tầng thấp, Thần phụ trách đa dạng sinh vật, còn có Thần quản lý quan hệ xã hội v.v… Vì tam giới mới sơ khai nên các vị Thần đều không có nhiều hình mẫu tham chiếu để tạo ra và đặt định sự phát triển của những thứ bên trong tam giới, họ chỉ có thể dựa theo trạng thái của tầng thứ lúc đó để an bài những sự vật trong tam giới mà thôi. Ví dụ: Thần dựa theo hình dáng của mình để tạo ra con người, Thần cũng dựa theo những hình tượng khác trên thiên giới để tạo ra các giống loài trên mặt đất. Về sau họ phát hiện bản thân mặt đất có thể tự sản sinh ra những giống loài mới, vậy là rất nhiều loài đã được tạo ra trên mặt đất. Đó là một công trình vô cùng phức tạp và tinh vi. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi không thể kể hết chi tiết, chỉ tập trung vào nội dung về trà.

Trong rất nhiều tầng thứ trên thiên giới đều có cây trà, thưởng trà đối với Thần tiên là một sự hưởng thụ siêu thường, kỳ thực hưởng thụ chính là trạng thái tự nhiên của các sinh mệnh trên thiên giới, bởi vì Thần tiên chính là tiêu dao tự tại.

Sau đây, chúng tôi kể sơ lược hai câu chuyện Thần tiên liên quan đến trà:

Một lần, hai vị Đạo tiên đang tán ngẫu với nhau, lát sau tiên đồng dâng lên một chiếc ấm rỗng và một chén trà. Trên nắp của chiếc ấm chạm hình hạc tiên, trên thân ấm chạm hình một con rồng vàng. Vị Đạo tiên nhìn thấy cảnh này liền cảm thấy vị Đạo tiên chủ nhà (hình dung như vậy cho dễ hiểu một chút) rõ ràng muốn thi thố tài nghệ nào đó. Quả nhiên là như vậy, vị Đạo tiên chủ nhà tay cầm cây phất trần vung lên một cách khoáng đạt, hạc tiên và kim long bỗng nhiên sống dậy. Hạc tiên bay đi lấy trà cổ vạn năm, còn kim long bay đi lấy nước suối ngọt từ đáy biển, rót vào ấm xong, hạc tiên và kim long lại trở về vị trí ban đầu. Vị Thần tiên đặt tay lên nắp ấm, một lát thấy nước trở nên sẫm màu hơn, một lúc sau vị Thần tiên đối diện cảm thấy từng lỗ chân lông như mở ra, một luồng năng lượng như gió nhẹ ngấm vào trong thân thể, ngũ tạng đều có cảm giác vô cùng dễ chịu, định đưa tay lấy chén trà tự rót nhưng lại nhớ ra chỉ có một chiếc chén. Vị Đạo tiên chủ nhà thấy vậy mỉm cười nói: “Mời ngài cứ tự nhiên cầm chén trà, nhưng hãy cầm vào mặt trong của chén”. Nghe những lời này, vị này cảm thấy bên trong tất có gì đó sâu xa huyền diệu, vậy nên liền làm theo, vậy là từ trong chén trà đó ông lại lấy ra được một chén trà khác giống hệt như vậy.

Ông lấy chén trà ra xong, đặt trước ấm trà, trà trong ấm tự rót ra, đầy thì dừng lại, uống hết lại tự động rót, không muốn uống nữa thì dừng. Còn vị Đạo tiên chủ nhà trước giờ không hề đặt chén trà gần ấm trà, chỉ cầm trong tay mà trà cũng tự đầy, cho đến khi không muốn uống nữa thì trà trong chén cũng hết.

Một câu chuyện khác như sau: Một vị Thần tiên đang gảy đàn, tiếng đàn du dương, êm ái. Lúc này một làn hương trà bay đến, ông chợt cảm thấy tâm trạng thăng hoa, dường như tiến nhập vào một trạng thái mới lạ. Tiếng đàn lúc đó không những êm ái mà càng lay động lòng người, thanh trừ những vật chất xấu, gột rửa bụi trần.

Tôi muốn thông qua câu chuyện thứ nhất để nói rằng trà vốn là thứ mà Thần tiên trên thiên giới uống hàng ngày, còn câu chuyện thứ hai để nói về tác dụng của trà.

Trên thiên giới có rất nhiều loại trà, công dụng cũng không giống nhau. Thần tiên chỉ đem một phần rất ít ỏi trong số đó đến nhân gian để cho con người qua việc uống trà, thưởng trà mà tu tâm dưỡng tính, từ đó chấm dứt nhân duyên thế tục giữa người với người, trong dòng chảy xã hội, trải qua những câu chuyện hoặc là xúc động tâm can hoặc là da diết, buồn thương hoặc là bình thường, đơn điệu, mục đích là để con người ghi nhớ sự sáng tạo vạn vật của trời xanh và ân đức của Thần, gieo vào trong tâm hồn con người những hạt giống của lòng thành kính hướng tới Thần, để đến một ngày khi Thần trở lại có thể giữ được sự trong sạch và thuần khiết mà cùng Thần trở về. Bởi con người vốn từ thiên thượng đến, trở về nhà cũng là lẽ dĩ nhiên.

* * *

Rất nhiều người nghiên cứu về lịch sử của trà đều phát hiện một vấn đề thú vị rằng: nếu nói về khí hậu thì trên thế giới có rất nhiều nơi thích hợp để trồng cây trà, nhưng tại sao trà chỉ bắt nguồn ở Trung Quốc còn những nơi khác lại không có? Hơn nữa, trong những nền văn minh cổ trên thế giới, chỉ có nền văn minh Trung Hoa kéo dài mấy nghìn năm không bị đứt đoạn, mà đi cùng với nó là trà.

Từ một ý nghĩa khác mà nói, trà trở thành hình ảnh gần gũi và trực tiếp nhất thể hiện thế giới quan “thiên nhân hợp nhất” của người Trung Quốc, từ chén trà mà ngẫm nghĩ về triết lý nhân sinh và vũ trụ, từ chén trà mà tìm kiếm tri ân tri kỷ, từ chén trà mà chữa các bệnh tật cấp và mãn tính v.v… Trà cũng trở thành vật truyền tải văn hóa Trung Hoa để giao lưu với các nền văn hóa khác, hơn nữa, trước thời Mãn Thanh, trà còn là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của quốc gia này. Trung Hoa nhờ có trà mà trở nên rực rỡ, cũng bởi có trà mà bị các cường quốc nhòm ngó (do nhu cầu nhập khẩu trà từ Trung Quốc của các nước châu Âu và Anh quốc rất lớn, các nước này cảm thấy kinh tế của mình bị tổn thất lớn vì lệ thuộc vào Trung Quốc, nên đã bán phá giá thuốc phiện sang Trung Quốc, cuối cùng dẫn đến bùng phát cuộc chiến tranh nha phiến).

Cho đến nay, tuy rằng trà vẫn rất thơm ngon, nhưng nó không còn giữ được cảm giác và hương vị như thời cổ xưa nữa, bởi vì đất đã biến đổi, nước đã biến đổi, lòng người càng thay đổi, đã không còn thuần khiết như xưa. Giờ đây, chúng ta tìm lại trà và văn hóa trà để gợi lại những ký ức xưa cũ, nhặt nhạnh những mảnh vụn về văn hóa trà để hy vọng khơi dậy một chút nét đẹp văn hóa trà đã phai mờ qua tháng năm lịch sử.

Lịch sử của trà xuất hiện tại thế gian vượt rất xa lịch sử nền văn minh của nhân loại, nhưng chỉ đến khi con người phát hiện ra giá trị của nó, trà mới dần dần trở nên quen thuộc và được mọi người chú ý đến.

Trong phần Lời mở đầu, chúng tôi đã đề cập đến nguồn gốc của trà vốn là từ thiên giới, để con người thông qua việc thưởng trà mà khắc ghi lời nhắc nhở của thiên thượng (rằng con người vốn từ thiên thượng đến và phải quay trở về), con người cần phải giữ gìn sự thuần chính và trong sạch trong xã hội người thường, giống như trà vậy. Trà sau khi được Thần trồng ở nhân gian cũng phải trải qua một quá trình thích ứng. Môi trường sống xung quanh từ trời, đất, không khí cho đến hệ động thực vật đều khác biệt rất lớn so với thiên giới, cho nên không chỉ sự sinh trưởng của cây trà cần phải thích ứng với tự nhiên mà cả hương vị của trà cũng cần phải thích ứng với con người và sự phát triển của con người. Suy cho cùng, sự xuất hiện của trà ở nhân gian cũng giống như người mà thời gian dài đã ăn ngũ cốc, đột nhiên ăn đồ ăn quá nhiều dầu mỡ thì không thể ăn nổi. Vậy nên, thích ứng là việc quan trọng nhất.

Từ những khai quật khảo cổ trên khắp thế giới có thể thấy nền văn minh của nhân loại không chỉ xuất hiện một lần, vậy thì lá trà được con người biết đến và sử dụng cũng không thể chỉ trong nền văn minh lần này. Trong “Trung Quốc Thông Sử”, nhà đại sử học thời Dân quốc Lã Tư Miễn đã xác định rõ nền văn minh Trung Hoa bắt nguồn từ núi Côn Luân, Trung Quốc (phía nam và tây nam của núi là dân tộc Miêu, Tạng, phía bắc là dân tộc Hoa Hạ ở Trung Nguyên).

Từ những hình vẽ biểu tượng, câu chuyện và truyền thuyết lưu truyền lại có thể thấy người dân tộc thiểu số ở tây nam Trung Quốc và những người dân tộc cổ người Hoa Hạ đều là hậu duệ của nền văn minh lần trước, do vậy vào thời thượng cổ họ mới có thể sáng tạo ra những thứ văn hóa mà con người hiện đại chúng ta không thể theo kịp, như: Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Chu Dịch, Bát Quái v.v …

Những điều này chứng minh rằng trà chắc chắn không chỉ là thứ mà người hiện đại chúng ta cho là gắn với việc tu tâm dưỡng tính, mà còn chứa đựng lời nhắn nhủ của thiên thượng tới chúng ta rằng hãy luôn khắc ghi nguồn gốc của chính mình.

Về công dụng, trà vừa có tác dụng chữa bệnh vừa làm đồ uống. Từ góc độ xã hội học mà nói, trong lịch sử văn minh mấy nghìn năm của Trung Quốc, trà đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, giao lưu giữa người với người, giữa các bộ lạc với nhau, giữa các quốc gia với nhau. Văn hóa trà không chỉ giúp gắn kết tình cảm mà còn mở ra cơ hội giao lưu về kinh tế và văn hóa.

Từ góc độ ngoại giao mà nói, trà đóng vai trò là “đại sứ thân thiện”. Trà của Trung Quốc được các quốc gia khác nhập khẩu về, chế biến và sử dụng, cùng với đó là “văn hóa trà” mang đậm bản sắc Trung Quốc cũng lan rộng khắp thế giới và có tầm ảnh hưởng sâu sắc.

Trước tiên cần nói rõ, trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, vậy nên trong quá trình phát triển và truyền bá ra thế giới, trà và văn hóa trà đều mang đậm “hương vị Trung Quốc”. Mà văn hóa truyền thống Trung Hoa vốn chú trọng “Thiên nhân hợp nhất” (sự hòa hợp giữa trời đất và con người), chú trọng việc truyền thừa các giá trị đạo đức. Thế nên khi nghiên cứu, luận bàn về trà và văn hóa trà, chúng ta đương nhiên không thể tách khỏi bối cảnh của văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Trước hết chúng ta hãy nói về quá trình trà được phát hiện ở nhân gian:

Trong “Thần Nông bản thảo kinh” – cuốn sách y dược cổ đại của Trung Quốc và cũng là bộ sách về y dược đầu tiên lâu đời nhất thế giới (theo đánh giá của các chuyên gia, cuốn sách này được viết vào thời Chiến Quốc từ năm thứ 5 đến năm 221 trước công nguyên) có ghi: “Thần nông thưởng bách thảo, nhất nhật ngộ thất thập nhị độc, đắc trà nhi giải chi” (Thần Nông nếm thử trăm loại thảo mộc, một ngày gặp 72 loại độc, nhờ có trà mà giải được độc). Tương truyền khi Thần Nông đang nếm thử 100 loại thảo mộc, cây thuốc, khi nếm đến hạt kim lục sắc thì trúng độc, vừa hay ngã ngay dưới gốc cây trà, sương trên lá cây trà rơi vào miệng giúp ông tỉnh lại. Tuy rằng đây chỉ là câu chuyện truyền thuyết nhưng lại có ghi chép một sự thật rằng lá trà có chức năng giải độc. Sự cố mà Thần Nông gặp phải này, nhìn bề ngoài dường như là điều tất yếu xảy ra trong quá trình ông tìm hiểu các loại cây cỏ. Tuy nhiên nhìn từ góc độ khác, việc lưu lại câu chuyện truyền thuyết này phải chăng để người đời sau chúng ta hiểu rằng khắp nơi trong nhân gian đều tràn đầy các loại cỏ độc (những nhân tố bất hảo hình thành ở nhân gian như: lợi ích, dục vọng, tự tư v.v …), lúc đó cần phải nhờ đến công dụng của trà (chỉ chung là đạt đến cảnh giới thanh khiết, vô tư phù hợp với nguyên tắc tu tâm tính của người tu luyện) mới có thể giải quyết được.

Căn cứ vào tư liệu lịch sử hiện có: Thần Nông Thị (Thần Nông) là thủ lĩnh của các bộ tộc “Tam Miêu”, “Cửu Lê”. Bộ tộc của Thần Nông sống ở khu vực gần Thần Nông Giá hiện nay. Ở đây có rất nhiều khu rừng nguyên sinh, có nhiều loài thảo mộc phong phú để Thần Nông nếm thử các loại cỏ.

Kỳ thực, vào thời thượng cổ do chưa có văn tự ghi chép nên rất nhiều sự việc người ta đều lưu truyền lại theo cách khẩu truyền tâm thụ hoặc là dùng cách thắt nút dây để ghi nhớ. Sau này, theo thời gian con người bắt đầu sáng tạo ra chữ viết và hình thành các quan niệm dựa trên thực tiễn cuộc sống. Con người vô hình chung đã dùng quan niệm lúc đó để đo lường lịch sử trước đây. Vậy nên, thời gian càng dài thì nhận thức và ghi chép của con người về giai đoạn lịch sử chưa có chữ viết ngày càng xa rời sự thật.

Khi một nền văn minh xuất hiện, ông Trời sẽ phái một vị Thần xuống để dẫn dắt con người, giúp con người nhận thức một số sự vật hoặc phát triển một số phương diện. Chúng ta có thể hiểu được điều này qua những ghi chép của Hiên Viên Hoàng Đế trong cuốn “Sử ký”.

Đầu tiên hãy xem một số câu chuyện truyền thuyết đã rất quen thuộc với chúng ta: “Bàn Cổ khai thiên địa”, “Nữ Oa tạo ra con người”, “Phục Hi sáng tạo bát quái”, “Thần Nông nếm thử trăm loại thảo mộc”, “Hoàng Đế chiến đấu với Si Vưu”, rồi đến những vị vua nhân đức như “Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang” v.v… Khi xem một cách tuần tự những câu chuyện truyền thuyết này, chúng ta sẽ phát hiện đây là quá trình sắp đặt có trình tự của ông Trời. Mỗi một sự kiện trọng đại đều có ý nghĩa giúp làm phong phú kinh nghiệm của con người trong xã hội, hoàn thiện nhận thức của con người.

Bản thân Thần Nông cũng là một vị Thần được Trời an bài xuống nhân gian, dạy dỗ những con người đầu tiên nhận thức được hình thái và công dụng của các loại thực vật (bao gồm cả cây trồng nông nghiệp). Cho dù thế nào, đã đến nhân gian thì phải phù hợp với những biểu hiện ở nhân gian, cho nên, ăn thứ có độc cũng sẽ bị trúng độc. Nhưng suy cho cùng, ông được Trời an bài xuống làm những việc này nên khi chưa đến lúc nên rời đi thì sẽ luôn luôn được cứu.

Từ đó mà trà (thời cổ dùng chữ “荼 – Đồ”) bắt đầu “tung hoành ngang dọc”. Nàng (ở đây dùng cách nhân hóa cho sinh động) vốn được ông Trời phái xuống, đã tồn tại rất lâu ở thế giới này rồi, chỉ là con người chưa nhận thức được công dụng và ý nghĩa sự tồn tại của nàng. Nàng đang chờ đợi, chờ một thời cơ, một cơ hội để chứng tỏ tài năng. Khi Thần Nông nếm thử một loại thực vật bị trúng độc, vừa hay ngã dưới chân nàng, nàng rất hân hoan, vui mừng, cảm thấy ngày xuất đầu lộ diện cuối cùng cũng đã tới rồi, không thể mất đi cơ hội này. Với sự phối hợp hoàn hảo của giọt sương, sức mạnh của nàng hòa tan trong giọt sương, rơi vào miệng Thần Nông. Từng giọt nước giống như dòng suối trong lành giải trừ hết thảy độc tố trong cơ thể Thần Nông, không lâu sau Thần Nông tỉnh lại, cây trà vui mừng đung đưa cành lá. Thần Nông mỉm cười hiểu ý, đôi bên hoàn thành “sự kết nối đánh dấu lịch sử”. Từ đó “trà” xuất hiện trong ý thức tư tưởng của con người, dần dần trở thành một trong bảy thứ quan trọng cuộc sống của người Trung Quốc (củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà).

Nói một cách văn vẻ và sinh động, nhưng chúng ta thử nghĩ xem chẳng phải đúng như vậy sao?

Kỳ thực việc phát hiện ra trà không chỉ do một mình công của Thần Nông, mặc dù vậy người ta đều quy tất cả do công của Thần Nông. Hơn nữa nguồn gốc của trà cũng là do Thần ở cảnh giới khác mang tới nhân gian, sắp đặt ở các khu vực khác nhau, trà được phát hiện ở những thời kỳ khác nhau, phù hợp với thói quen và khẩu vị khác nhau, cũng thích hợp với những nhóm người khác nhau.

Sau thời kỳ Thần Nông, sự phát triển của nhân loại cũng trải qua rất nhiều biến cố kinh thiên động địa, thậm chí là những trận đại quyết chiến chưa từng có trong lịch sử, mục đích là để lưu lại cho nhân loại tương lai cách thức chiến tranh. Các phe phái giao tranh rất lâu, cuối cùng mới định phương thức phát triển của nền văn minh lần này mà chúng ta có thể nhận biết được.

Thời kỳ lịch sử từ thời Hiên Viên Hoàng Đế đến Hạ Vũ (Đại Vũ) có thể nói là màn cuối của những trận đại quyết chiến kinh thiên động địa đó. Sự kiện Hoàng Đế chiến thắng Si Vưu chính là quét sạch văn hóa truyền thừa mà những vị Thần khác đại biểu. Nếu như Si Vưu đại thắng thì văn hóa truyền thừa sẽ không thể như hiện tại, nó sẽ là một thể hệ văn hóa khác. Còn thời đại Nghiêu, Thuấn, Vũ sau này, rất nhiều những trận thiên tai hoặc những khiếm khuyết trong xã hội cũng đều là do ảnh hưởng kéo dài của các cuộc đại chiến do bất đồng về thể hệ văn hóa trên thiên thượng.

Rất nhiều người sẽ hỏi tại sao phải như vậy? Lẽ nào nền văn minh và nhân loại lần này có gì đặc biệt? Trong “Phần mở đầu” tôi đã nhắc đến việc khi Thần quay trở lại thì phải cùng Thần quay về. Hiên Viên Hoàng Đế cuối cùng tu thành đạo và phi thăng về trời tại núi Hoàng Sơn chính là một ví dụ điển hình lưu lại cho chúng ta. Bởi vì nền văn minh và nhân loại lần này vào cuối cùng vẫn cần phải truyền ra một phương pháp tu luyện có thể khiến con người chân chính quay trở về, cho nên để an bài những sự việc này, các sinh mệnh khác nhau trên Thiên thượng đều muốn an bài nền văn minh theo cách nghĩ của bản thân mình. Có vị muốn lấy thể hệ văn hóa của mình làm chủ đạo, muốn thế này, muốn thế kia, vì vậy đã xảy ra tranh chấp rất lớn, phản ánh tại nhân gian chính là xuất hiện những trận đại quyết chiến kinh thiên động địa mà tôi đã nói ở trên, đương nhiên tình huống cụ thể tạm thời không thể tiết lộ. Qua các nghiên cứu khảo cổ và các tài liệu lịch sử còn lưu lại đến nay, có thể tìm thấy một vài bằng chứng vụn vặt về những cuộc chiến tranh hạt nhân thời tiền sử và cuộc chiến với người ngoài hành tinh. Phương diện này chúng tôi không bàn đến nhiều, nội dung bài viết này chỉ tập trung nói về trà.

Sau khi trà được Thần Nông phát hiện, ông cũng phải mất một thời gian dài tìm tòi mới dần dần nhận thức được tác dụng của trà đối với sức khỏe con người. Sau này, đến thời kỳ Hiên Viên Hoàng Đế – thủy tổ của nền văn minh lần này, thói quen uống trà mới bắt đầu được lưu truyền rộng rãi.

Có một câu chuyện thú vị từng được lưu truyền trong dân gian như sau: Một lần Hoàng Đế dẫn tùy tùng vào núi săn bắn, ông bỗng cảm thấy khát nước bèn bảo quân lính đun nước cho ông uống. Khi nước đang sôi sùng sục thì một vài lá trà bị gió thổi rơi vào trong nước khiến nước biến màu. Anh lính kia kinh sợ định đổ nước đi, nhưng vì Hoàng Đế sai người đến giục, anh lính nếm thử, cảm thấy hương vị rất thơm ngon liền dâng lên Hoàng Đế. Hoàng Đế uống xong cũng cảm thấy rất ngon. Lúc này anh lính mới kể đầu đuôi sự việc. Hoàng Đế không trách tội anh ta, trái lại còn bảo anh ta tìm một ít lá cây đó mang về để Hoàng Đế dùng. Từ đó, tập tục dùng nước sôi để pha trà uống đã được lưu truyền trong dân gian.

Nói đến Viên Đế (Hiên Viên Hoàng Đế), người ngày nay thường đánh đồng Thần Nông và Viên Đế là một, kỳ thực rất dễ phân biệt. Thời kỳ Thần Nông nếm thử bách thảo là thời đại mà con người hầu như chưa có nhận thức gì về thế giới tự nhiên, còn thời đại Viên Đế có sự kiện Thương Hiệt tạo ra chữ viết cùng với việc bắt đầu hình thành các yếu tố cơ bản của một nền văn minh như: nuôi tằm, dệt vải, âm luật, cung điện, thuyền bè, xe cộ v.v .. Điều này cho thấy từ thời đại Thần Nông đến thời đại Viên Đế cần một khoảng thời gian gián cách rất lớn. Từ góc độ này mà nói thì Viên Đế và Thần Nông không thể là một người. Nếu như nói “Thần Nông” là tên gọi của một bộ lạc thì “Viên Đế” là vị Thần hoặc biểu tượng mà bộ lạc này sùng bái, vậy còn có thể chấp nhận được. Vậy thì có thể có rất nhiều người người mang danh hiệu “Viên Đế Thần Nông”. Viên Đế Thần Nông được chôn cất tại Trà Lĩnh – quê hương của trà ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc. Vị thủ lĩnh bộ lạc mang danh hiệu “Viên Đế Thần Nông” này được chôn cất tại đó, cũng cho thấy duyên phận của ông với trà.

Kỳ thực vào thời thượng cổ, trà chủ yếu dùng để làm thuốc. Bởi vì lúc đó rừng rậm rất nhiều, cây cối lại rất cao lớn. Khi các loài cây khác nhau trao đổi tuần hoàn không khí với thiên nhiên thì một số vật chất của chúng hòa tan trong không khí khiến trong rừng sâu khí độc ngút trời, mà con người lúc đó vừa mới bước vào giai đoạn khai hóa, khả năng thích ứng với thế giới bên ngoài rất yếu, hơn nữa còn phải đánh trận (như đại chiến Si Vưu). Trong hoàn cảnh đó, lá trà trở thành dược liệu vô cùng quan trọng. Nhờ tác dụng giải độc và giúp đầu óc tỉnh táo của lá trà mà tổ tiên của chúng ta mới có thể chiến thắng trong các trận chiến, đặt cơ sở cho nền văn minh hiện nay. Chủ đề của bài viết này chính là mang hàm ý đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941