Trang chủ » THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

NGŨ NGÔN TỨ CÚ “THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN”

Thập nhị nhân duyên là một giáo lý rất đặc thù, là cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo, được đề cập nhất quán trong tất cả các kinh điển. Nhận thức rõ về học thuyết Thập nhị nhân duyên sẽ giúp Phật tử hiểu cặn kẽ hơn về các vấn đề khác như nghiệp, luân hồi tái sinh, nhân quả…

Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên giác thừa, phép này chủ yếu quán sát tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp thì gọi là sanh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt, sự thật vốn không có cái gì sinh, cái gì diệt cả.

Trước khi Phật ra đời, cũng đã có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân duyên, ra khỏi luân hồi, đó là các vị Độc giác.

Các vị Độc giác thường quán tất cả các sự vật, dù thân hay cảnh, dù sống hay chết, đều do các duyên hội hợp mà hóa thành như có, chứ không phải thật có. Các vị thường quán các sự vật, chỉ có tánh đối đãi, chứ không có tự tánh. Ví dụ như tờ giấy, nó có những tính cách là mỏng, là vuông, là trắng, những tính cách đó đều là đối đãi, vì mỏng đối với dày mà có, vuông đối với cái không phải vuông mà có, trắng đối với cái không phải trắng mà có, lại tờ giấy là vật có hình tướng, cũng có đối với không mà thành, rõ ràng tờ giấy chỉ có những tính cách đối đãi, ngoài những tính cách ấy ra, thì không chỉ thế nào là tờ giấy được.

Lại tờ giấy là một nhất hợp tướng, do rất nhiều cực vi kết hợp lại mà thành, ngoài các cực vi ra, cũng không còn tờ giấy nữa.

Lại tờ giấy có những nguyên nhân của tờ giấy, nơi tờ giấy, người ta có thể nhận rõ tác dụng của các nguyên nhân ấy, đã kết hợp như thế nào, ngoài những tác dụng ấy ra, cũng không thể tìm cái gì là tờ giấy được.

Quán sát như thế, thì nhận rõ được các tướng của sự vật đều giả dối, không thật, theo duyên mà phát hiện, theo duyên mà thay đổi, không có gì là chắc thật cả.

Các vị Độc giác quán sát như thế, thì ngộ được các pháp đều vô ngã, cảnh cũng vô ngã, thân cũng vô ngã, cho đến những sự sống, chết đều vô ngã. Đồng thời, các vị Độc giác cúng ngộ được các pháp vô ngã như thế, theo duyên mà chuyển biến, mà thường dùng định lực quán cái có ra không, cái không ra có, làm cho càng rõ thêm sự thật của mọi sự vật, chứng được bản tánh vô ngã và ra khỏi luân hồi.

Đối với những đệ tử Phật, có căn cơ quán sát nhân duyên, thì Phật dạy 12 nhân duyên phát khởi ra luân hồi, để các đệ tử ấy tu tập theo và chứng quả Duyên giác.

Mười hai nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiều đời. Mười hai nhân duyên ấy là vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.

1. VÔ MINHĐêm mịt mù mộng mị
Rắn trườn giỡn dây thừng
Hồ tanh tao động đậy
Sen lòng nào nở bung?
Vô minh là không sáng suốt, là mề lầm, không nhận được bản tính duyên khởi chân thật. Do vô minh, nên không biết tất cả sự vật, dầu thân, dầu cảnh, dầu sinh, dầu diệt, dầu năng, dầu sở, dầu có, dầu không, đều do nhân duyên hội họp mà giả dối sinh ra, do nhân duyên tan rã mà giả dối mất đi, đều theo nhân duyên mà chuyển biến như huyễn, như hóa, không có thật thể. Chính vì không biết như thế, nên lầm nhận thật có cái ta, thật có cái thân, thật có hoàn cảnh, rồi do sự đối đãi giữa thân tâm và cảnh giới, phát khởi ra những tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng.
2. HÀNH

Nhịp nhàng gieo tung tác
Đời nàng quyện đời tôi
Duyên tưng bừng thiện ác
Khóc cười đậm dòng trôi.
Hành, chính là cái tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng ấy, nó làm cho chúng sinh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo
3. THỨCMập mờ rung sinh diệt
Tối sáng rọi nhân duyên
Hoa tàn ôm bình đẹp
Yên bình bóng chao nghiêng.

Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác.

4. DANH SẮC

Hình hài phơi sương gió
Tâm ý rộn ràng chơi
Tìm đây không đó có
Quay về phút thảnh thơi.

Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Sắc, bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh; Danh, bao gồm những cái không có hình tướng, như cái sự hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và cảnh giới của nghiệp ấy.

5. LỤC NHẬP

Mắt môi hiền xa vắng
Tiếng gõ rền ý tâm
Nắng mưa hâm ngọt đắng
Bặt dứt nỗi thăng trầm.

Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi 6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần.

6. XÚC

Nhúng chàm gieo duyên nợ
Vấp ngã cười đứng lên
Dùi khua vành chuông sớm
Chào mộng mị lạ quen.

Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc.

7. THỌ

Buồn vui xuôi con nước
Sướng khổ dạt bèo trôi
Lửa diêm soi mộng ước
Nhịp tim đập tơi bời.

Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ.
8. ÁIHôm qua còn buồn ghét
Sớm nay cười mà thương
Lưng trời động tiếng sét
Oán xưa tan trên đường…

Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết.

9. THỦ

Có nhau mộng thêm mộng
Tình ngỡ mất vẫn còn
Rủ nhau ngồi tri vọng
Đêm thiền vạn pháp không.

Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật như huyễn, như hóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời rạc đã nhận được nơi hiện tại, thành những sự tướng có định, rồi từ đó chấp mọi sự vật đều có thật, sự chấp trước như thế, gọi là thủ.

10. HỮU

Ôm vuốt dây duyên nợ
Hớp lấy những lạc an
Chết là gì phải sợ?
Ngón nở hoa bên đàn.

Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu.

11. SINH

Sớm mai còn hơi thở
Gửi nhẹ đùa làn sương
Dòng trôi đang trăn trở
Tim còn đọng yêu thương.

Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có sinh sống.

12. LÃO TỬ

Lá buồn xanh héo úa
Vàng vọt ngày nắng chan
Rơi vào đêm đen đúa
Nghe một hồi chuông vang…

Lão tử là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941