Trang chủ » Khổ

Khổ

Khổ

Tứ khổ vương mang một kiếp trần,
Bởi vì không biết phép tu thân,
Chẳng thương giá-trị “Người cao quí”.
Nên mãi trả vay lắm nợ-nần.
Nợ nần cõi thế cứ triền-miên,
Giải khổ nhờ tâm biết định thiền
Nhìn lại giả trần, cơn đại mộng;
Vô-vi bí-yếu, phép Thần Tiên.

Tiên Phật cũng tu một phép nầy,
Minh tâm, kiến tánh, nội nhiêu đây
Tam-hoa, Ngũ-Khí, trường-sanh được;
Xuất tánh Chơn-Như bái-yết Thầy.

Con người ta chỉ có một chữ ái (ưa, mến), mà không trừ bỏ đi được. Mến danh lợi thì bị danh lợi ràng buộc, mến tửu sắc thì bị tửu sắc ràng buộc, mến thân gia (thân mình, nhà cửa) thì bị thân gia ràng buộc, mến con cháu thì bị con cháu ràng buộc. Nó đem cái chân tính này, ràng qua buộc lại, điên đảo đảo điên, lên xuống cõi nhân gian hoài, mà chịu không biết bao nhiêu sự khổ.
Chân tính thọ phụ tinh mẫu huyết mới kết thành thai. Cái y bào (cái bọc bao đứa nhỏ trong bụng mẹ) cũng như khám tối, câu thúc thân hình. Hễ mẹ ăn món nóng, như nước sôi đổ xối vào mình; hễ mẹ ăn đồ lạnh, như nước đá tẩm dầm thân thể.
Đến lúc khí đủ thay đầy, thì phải tung mà ra cho kịp. Vậy trước phải động phá cái y bào, vài ngày cái bọc đó mới rách. Người ta chỉ biết sự thống khổ của người mẹ chuyển bụng, mà chẳng biết đứa con cũng chịu khổ sở vô cùng. Tới khi sinh ra rồi, đứa con khóc oa oa lên một tiếng, thì cái khổ ở trong thai dứt từ đó. Cái khổvới thân này lại tiếp theo đó liền: trong thì lo đói khát, ngoài thì sợ lạnh nóng, biến ra các thứ đậu chẩn, nối nhau mà phát hiện. Đó là cái khổ hồi lúc còn nhỏ.
Tới chừng nên người, lại có sự nghiệp. Làm vua chúa thì phải lo cho xã tắc, làm kẻ sĩ thứ thì phải lo cho thân gia, ngày đêm lao khổ, nằm ngồi chẳng an. Năm thứ hỏa đều dấy động, đốt hết khí thiên hòa, thì tật bệnh theo bên mình chẳng ngớt.
Con người ta trước chịu cái khổ bệnh, sau tới cái khổ chết, rốt có cái khổ báo ứng, muôn kiếp luân chuyển, không lúc nào ngưng.
Thích giáo nói rằng: Ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ, cầu bất đắc khổ; nghĩa là: thương nhau mà lìa nhau là khổ, ghét nhau mà hợp nhau là khổ, có việc cầu xin mà không đặng là khổ. Nay người chịu khổ não, đều là mình làm mình chịu. Có kẻ  lầm không biết mà vào chỗ khổ, có kẻ biết rõ là khổ mà cũng không thoát khỏi được.
Ngạn ngữ nói rằng: Chớ có cưới vợ sớm, cưới vợ rồi sẽ có việc khó! Có nói thi đỗ cao, thi đỗ rồi sẽ chịu nghiệp to! Chớ nói cày cấy no, cày cấy rồi sẽ gặp khổ nhiều! Chớ nói người tu sướng, người tu rồi sẽ biết tâm khó!

Có kẻ hỏi: Cái khổ của người thế phần nhiều ở thân thể, còn cái khổ cuả người học Đạo chỉ ở trong tâm: không có dây mà tự mình trói buộc; không có việc mà tự mình lật đật; muốn thu, thu chẳng đặng, muốn phóng, phóng chẳng đi. Vậy phải làm sao?
Đáp: Kẻ học đó chưa đặng chân truyền nên mới chịu khổ như vậy. Nếu đặng chân truyền thu hay là phóng đều tại nơi ta, thì có gì là khổ nữa? Huống học Đạo là cái pháp môn an lạc. Phàm theo Đạo mà nói khổ, tức là ngoại đạo rồi.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Người thế thường đàm luận, rằng lúc con người lọt ra khỏi lòng mẹ, sao cũng khóc oa oa vài tiếng, thì đủ thấy từ đó về sau, đều là cảnh khổ. Tôi lại nói: Chẳng phải vậy. Bởi mê thất chân tính, lòng muốn chẳng toại, cho nên trăm khổ dồn dập. Nếu khứng hồi tâm xu hướng về đạo đức, muôn vật đều có đủ trong mình ta, thì có cái vui nào lớn bằng! Làm sao mà có khổ?” 

Trích Dưỡng Chơn Tập

One thought on “Khổ

  1. Mạnh Tiên Sinh says:

    Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Người thế thường đàm luận, rằng lúc con người lọt ra khỏi lòng mẹ, sao cũng khóc oa oa vài tiếng, thì đủ thấy từ đó về sau, đều là cảnh khổ. Tôi lại nói: Chẳng phải vậy. Bởi mê thất chân tính, lòng muốn chẳng toại, cho nên trăm khổ dồn dập. Nếu khứng hồi tâm xu hướng về đạo đức, muôn vật đều có đủ trong mình ta, thì có cái vui nào lớn bằng! Làm sao mà có khổ?”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941