Trang chủ » Sự sinh tử

Sự sinh tử

Khổng tử nói rằng: nhân sinh hữu khí, hữu tồn, hữu phách. Khí hồn phách hội vị chi sinh. Nghĩa là người sinh ra có hồn có phách. Khí hồn phách gọi là sinh, người ta ở đời có mệnh, có tính, có sống có chết: phân ư đạo vị chi mệnh; hình ư nhất vị chi tính, hóa ư âm dương tượng hình nhi phát vị chi sinh; hóa cùng số tận vị chi tử. Cố mệnh giả tính chi tủy dã, tử giả sinh chi chung dã, hữu thủy tắc tất hữu chung hỹ: Chia một phần ở trong đạo tự nhiên của trời đất ra gọi là mệnh; rõ hình ra ở cái lý nhất quán ai cũng như ai, gọi là tính, biến hóa ở âm dương mà thành ra có tượng có hình gọi là sinh; hóa đến cùng, số hết gọi là tử. cho nên mệnh là cái bắt đầu của tính, tử là cái cuối cùng của sinh, có cái bắt đầu thì ắt có cái cuối cùng vậy.

Chết rồi thì hài cốt chôn xuống đất, dần dần tan nát đi, còn cái khí tinh anh thì lên trên khoảng không gian sáng rõ rực rỡ :Tử tất quy thổ, cốt nhục tệ ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh. Vậy chết không phải là hết, chỉ hết cái hình hài mà thôi, còn cái khí tinh anh tức là tinh thần thì lại về chỗ sáng rõ ở trong vũ trụ.

Cái phần chiêu minh ấy ở trong người ta gọi là tâm. Tâm là cái thần minh ở trong vạn vật, là cái tia sáng của trời phí cho ta để hiểu biết các sự vật. Vũ trụ sở dĩ có là bởi có cái tia sáng ấy, chứ không thì dẫu có cũng như không mà thôi. Vạn vật nhờ có cái tia sáng ấy mà biết là có, và biết là có trời. Người ta có cái phẩm giá tôn quý cũng là nhờ có cái tâm, cho nên hễ bỏ cái tâm đi thì vũ trụ chỉ là một khối vật chất vô tri vô giác, không có giá trị gì cả. Có cái tâm thì trời đất rõ ràng, vạn vật linh hoạt. Bởi thế người quân tử bao giờ cũng phải giữ cái tâm cho minh mẫn. Đến khi người ta mệnh chung, cái tia sáng trở về trời, mà cái vật chất thì hẩm nát đi. Bởi cái lý tưởng ấy cho nên cổ nhân nói rằng: Sinh ký dã, tử quy dã: Sống là gởi vậy, thác là về vậy. Chết là cái tinh thần về trời.

Cho người chết là mất hẳn không biết gì nữa là bất nhân, không nên theo; Có người chết là còn biết như lúc hãy còn sống là bất trí, không nên theo. Tuy việc sống chết thế nào thì ta không rõ được, nhưng với người chết, bao giờ ta cũng có tình cảm thương tiếc. Vậy thì ta cứ thờ người chết, cúng tế tổ tiên để tỏ lòng tôn kính yêu mến. Song ta không nên thờ bậy cúng bậy, nếu không phải bậc mình đáng thờ đáng cúng, không phải cha mẹ tổ tiên mình mà mình thờ cúng thì gọi là siểm.

Nói rút lại, đạo trời là chí thiện chí mỹ, đạo người là phải cố gắng để làm được những điều chí thiện chí mỹ. Ai muốn đạt tới cái mục đích ấy thì trước hết phải theo đạo thành: Thành giả thiên chi đạo dã, thành chi giải nhân chi đạo dã: Thành thực là đạo trời, giữ cho được thành thực là đạo người. Thành là cái tính bản nhiên của thiên lý, cái tính ấy chân thực không sai lầm điều gì, và lại có thể sinh sinh, hóa hóa, gây nuôi muôn vật. Người ta ai đã cố gắng mà tiến đến bậc chí thành thì có thể giúp được việc hóa dục của trời đất và có đức ngang với trời đất. Tức là một cách nói:trời sinh ra người, người lại cố gắng theo cho được hoàn toàn như trời vậy.

Kẻ học giả hiểu rõ lẽ ấy, rồi cứ vui theo mệnh trời mà cố sức tu dưỡng cho đến bậc nhân, thì đạo làm người thành ra có cái ý nghĩa rất cao xa, mà cái cảnh ở đời lại rất có thú vị. Bởi thế cho  nên thánh nhân dạy người ta: Lạc thiên tri mệnh, cố bất ưu, ân thổ đôn hồ nhân cố năng ái: Vui theo đạo trời và biết mệnh trời nên không lo; tùy chỗ ở mà an và đôn đốc làm điều nhân cho nên có lòng ái. Trích:nho giáo- Trần trọng Kim

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941