Trang chủ » Tu chân cửu yếu

Tu chân cửu yếu

Tu chân cửu yếu

Thế Vân Sơn Tố Phác tán nhân Ngộ Nguyên Tử Lưu Nhất Minh sáng tác

Môn nhân Trương Dương Toàn duyệt lại

Hậu học Hoài Thanh thị in lại

修真九要序

Tựa Tu chân cửu yếu

Đạo tu chân là việc lớn nhất trong thiên hạ, cũng là việc khó nhất trong thiên hạ. Vì nó rất lớn và rất khó, nên cổ nhân đều gọi là việc hiếm có trong thiên hạ. Việc này, nếu không hiểu sâu tạo hóa, hiểu rõ Âm Dương, giữ chí lâu bền không đổi, tuần tự mà tiến, thì không thể thi hành được. Người học sau này, chẳng thèm nghiên cứu xem việc này là việc gì, chưa từng học đạo, mà liền muốn thành đạo; chưa từng học làm người, mà liền muốn làm tiên. Chẳng lạ là người tu đạo như lông trâu, mà người thành đạo như sừng lân vậy. Ta từ nhỏ mộ đạo, chưa gặp được bậc chính nhân, chẳng phân phải trái, như rối trí như khổ sở, cơ hồ thụ hại. May gặp thầy ta là Kham Cốc lão nhân, thoảng nghe lời ngọc, mới biết sai lầm từ trước của mình, cũng biết đạo nhân trong thiên hạ quá nửa là nhầm. Nhân thuật lại ý của thầy ta, đề ra cương lĩnh tu chân, tóm lại chín điều, tên là Tu chân cửu yếu. Phép này từ nông đến sâu, từ thấp lên cao, vì người mới học mà làm một cái bậc thang. Bất luận học đạo tu đạo, cứ theo cửu yếu, tuần tự mà nhập, cuối cùng tất học được thâm sâu, còn có thể biết được manh sư minh sư[1], luận được tà đạo chính đạo. Dù không thể thi hành cái việc hi hữu trong thiên hạ này, cũng có thể biết là có cái việc hi hữu trong thiên hạ này, tiếp là không để uổng phí tháng năm, uổng sống trong kiếp này.

Năm Mậu Ngọ, nhà Đại Thanh năm Gia Khánh thứ ba, ngày mừng chín tháng tám, Thê Vân sơn Tố Phác tán nhân Ngộ Nguyên Tử Lưu Nhất Minh tự viết bài tựa trong Tự Tại Oa.

 

勘破世事第一要

Khám phá thế sự đệ nhất yếu

Đệ nhất yếu – Khám phá thế sự

Chao ôi! Nhân sinh ở đời, như mộng ảo bóng nước, trăm năm tuế nguyệt, chỉ trong chớp mắt. Khi Vô Thường tới, dù có bạc vàng chất đống, mà chẳng mua được Tính Mệnh; hiếu tử hiền tôn, phân không hết ưu sầu. Nếu không sớm thu xếp, thì lúc lâm sự tay chân bấn loạn, Diêm Vương lão tử chẳng chịu lưu tình, một khi đã mất thân người thì vạn kiếp trầm luân. Kẻ có chí với đạo, cần đem cái cửa ải này nhanh chóng mở ra, mới thông được ra con đường lớn. Nếu chẳng vậy, trần duyên không đoạn, mà vọng tưởng thành đạo sao. Tuy thân đã xuất gia, mà tâm chưa từng xuất gia, nhất cử nhất động, chẳng qua là công phu hay dùng ở thế tục, lúc đi lúc đứng, đều là công việc ở nhân tình, không chỉ không thể thành đạo, mà còn hết cách để nghe đạo, quý báu gì xuất gia như vậy? Xưa đến nay vô số người học, phần nhiều dẫm vào vết này. Vì vậy mà người học đạo như lông trâu, người đạt đạo như sừng lân. Ngộ Chân nói: “Thí vấn đôi kim như đại nhạc, vô thường mãi đích bất lai vô?-Thử hỏi bạc vàng cao như núi, mua được Vô Thường không đến không”. Liễu đạo ca nói: “Tiên tương thế sự tề phóng hạ, hậu bả đạo lí tế nghiên tinh.-Đầu tiên đem thế sự nhất tề buông bỏ, sau đem đạo lí nghiên cứu kĩ càng” là nói thế sự đều là giả, Tính Mệnh cực chân, muốn biết cái chân, đầu tiên phải bỏ cái giả vậy. Vì sao thế? Khi nhận cái giả, thì tâm phục dịch cái giả, một cái giả thì không gì không giả, càng ngày càng xa đạo, thì không là người tự quý Tính Mệnh. Không tự quý Tính Mệnh, huyền hư chẳng thật, uổng qua năm tháng, đến già thì chết, có ích gì đâu? Xưa Lữ tổ nhân một giấc mộng mà các tư tưởng lập tức giải thoát, Mã tổ nhân gặp cái chết mà thành đạo rất nhanh, là vì đầu tiên khám phá thế sự rồi sau đó tu chân. Vì thế thành chân liễu đạo còn dễ với người khác, huống gì người xuất gia tu hành tất nhiên phải khám phá thế sự. Nếu chưa khám phá mà cưỡng xuất gia, hữu danh vô thực, vốn muốn đăng thiên mà ngược lại bị rơi xuống đất, nhanh chóng thất bại, há không uổng phí tâm cơ sao? Ta mong người học, bất luận tại gia hay xuất gia, nếu muốn biện luận về đại sự thiết thân, đầu tiên đem thế sự thăm dò qua một lượt. Thăm dò đi thăm dò lại, thăm dò đến một chỗ không có một chút mùi vị, mới biết vạn duyên đều là không, Tính Mệnh là việc lớn, từ đây đem toàn bộ các việc hư giả ngoài thân xóa bỏ toàn bộ. Chân đi thực địa, tầm sư phỏng hữu, dũng mãnh tinh tiến, vì đạo quên mình, tự nhiên lòng thành cảm động trời cao, tổ sư âm thầm nâng đỡ, sẽ có chân nhân độ dẫn vậy.

 

积德修行第二要

Tích đức tu hành đệ nhị yếu

Đệ nhị yếu – Tích đức tu hành

Ngộ Chân nói: “Nhược phi tu hành tích âm đức, động hữu quần ma tác chướng duyên. – Nếu không tu hành tích âm đức, thì động có quần ma làm ra các duyên chướng” có thể biết tích đức tu hành là việc cần thiết của người tu đạo. Nếu rời xa đức để nói đạo, thì là dị đoan tà thuyết, bàng môn ngoại đạo, sai lầm nhiều vậy. Nên thánh nhân đời xưa, đầu tiên phải hiểu rõ đạo; hiền nhân đời xưa, đầu tiên phải tích đức. Chưa từng có ai không hiểu rõ đạo mà có thể là thánh, chưa từng có ai không tích đức mà có thể thành người hiền. Nhưng muốn mong thánh đầu tiên phải mong hiền, nếu muốn thành đạo đầu tiên phải tích đức. Đạo và Đức lưỡng dụng, trong ngoài giúp nhau, thì đắc cái sự nghiệp học của thánh hiền vậy. Đạo là việc của ta, Đức là việc người. Tu đạo có tận cùng mà tích đức thì vô cùng. Từ xưa đến nay, sau khi tiên phật thần thánh thành đạo, còn phải hòa quang đồng trần, tích lũy công hạnh, đợi đến tam thiên công mãn, bát bách hành hoàn[2], mới nhận thiên chiếu. Huống gì Kim Đan Đại Đạo bị quỷ thần căm ghét, chẳng phải người đại trung đại hiếu thì không thể biết, chẳng phải người đại hiền đại đức thì chẳng dám truyền. Nếu cưỡng truyền mà bị biết, quỷ thần không vui, thế tất ngầm giáng tai ương, đẩy nhanh thọ số. Chẳng những vô ích, mà còn có hại. Ta từ khi được Kham Cốc tiên chỉ dạy, coi đại công là điều hoài bão, mỗi lần gặp kẻ chí sĩ, liền muốn tiếp dẫn. Thỉnh thoảng hơi bảo cho biết đầu mối, từ từ xem sau đó, không lâu thì họ tự mãn tự túc, nên chẳng thể vào sâu, cuối cùng đến càng lâu ngày càng lười nhác, chí khí mất cả. Họ tiếc tham phiền não, quá cả người thường. Trước sau vài người, đều như vậy cả. Ôi! Bọn đó chắc là tổ tiên vô đức, tự mình vô hạnh, chỉ vì đầu tiên chăm chỉ cuối cùng lười nhác, nên mê mất chân tông, mà không thể vãn hồi vậy. Ta vì tự mình không cẩn thận, lỡ lời nói với bọn phỉ đồ, cũng gặp nhiều ma chướng. May mà không quan hệ lớn, chân bảo chưa bị cướp đi. Xem xét điều này, sau liền giấu lưỡi, không dám khinh lộ phong thanh, mà phải đợi người có đại lực mới dốc túi truyền trao vậy. Người học ở đời mới nhập môn hộ, thẳng coi thần tiên là công việc rất dễ, mà liền lừa dối thập phương, không sợ gì cả. Tuyệt không nghĩ một mảy một may đều là mồ hôi và máu của thập phương; một chén nước một miếng cơm đều là khổ lực của chúng sinh. Hoặc có kẻ dùng lời miệng lưỡi về thiền[3] để lôi kéo người; hoặc có kẻ dùng giả đạo pháp để nhiếp tiền tài; hoặc có kẻ dùng thuật hoàng bạch để âm mưu lừa bịp; thiên phương bách kế, không thể đếm xuể. Sau này mắc nợ mười phần tiền của, không biết tiêu hóa thế nào. Cổ nhân nói: “Lưỡng chỉ giác hoặc hữu hoặc vô, nhất điều vĩ thiên định vạn định-Hai cái sừng hoặc có hoặc không, một sợi đuôi ngàn định vạn định”, phải bọn đó không? Người có chí với đạo, cần coi đức hạnh là trọng, tự lập tiết tháo, không được hồ đồ gây sự, để lỡ mất tiền trình. Thế nào là đức? Giúp người già giúp kẻ nghèo, thương kẻ cô quả, bố thí thuốc men, sửa cầu sửa đường, phù nguy cứu khốn, khinh tài trọng nghĩa, thi hành rộng rãi các điều tiện lợi là vậy. Thế nào là hành? Ta chịu khó làm lợi cho người, chăm chỉ làm việc vất vả ở trần gian, thi đức mà không mong báo, có oán mà không kết thù, có công mà không khoe, có khó khăn không ngại, gặp việc nghĩa là phải làm là vậy. Hay tích đức, hay lập hạnh, càng lâu càng cố gắng, đức phục quỷ thần, phẩm hạnh vượt kẻ tầm thường, cao nhân mà gặp, quyết định lọt vào mắt, có hi vọng về đại đạo vậy. Nếu không vậy, không tích dù chỉ một đức, không sửa dù chỉ một hành vi, vọng tưởng thành đạo, ngẫu nhiên mà gặp cao nhân, giấu cái xấu mà nêu ra cái tốt, tự nói có thể lừa người, thực không biết người ta nhìn mình, như thấy cả gan ruột vậy. Còn có những kẻ không chăm chú vào bổn phận, tác nghiệt trăm điều, sáng rượu chè rồi tối phấn son, miệng đạo đức mà tâm đạo chích, hại người lợi ta, ngàn kì trăm quái, không biết tự hối, lại quay lại oán tự mình vô phúc vô duyên, mà phỉ báng đan kinh toàn lời nói dối. Lúc chuyển thế trong địa ngục, bị đầu thai vào loại khác, mong làm người còn chẳng được, sao dám mong thành tiên đây. Ôi! Đức là việc của tự thân nhân thế; Đạo là việc thầy truyền mà thành tiên. Không tích đức mà muốn tu đạo, nhân sự còn chẳng thể, tiên đạo sao thành được, có thể không suy nghĩ sao?

 

尽心穷理第三要

Tẫn tâm cùng lí đệ tam yếu

Đệ tam yếu – Tận tâm cùng lí

[Thuyết quái truyện] nói: “Cùng lí tận tính, dĩ chí vu mệnh. – Xét đến cùng về Lí, hiểu tường tận về Tính cho đến Mệnh” có thể thấy cái học tận Tính chí Mệnh, toàn nhờ vào việc xét đến tận cùng về Lí mà định thị phi vậy. Thấu triệt đến cùng về Lí, thì Tính có thể toàn vẹn, Mệnh có thể bảo, thẳng vào vùng vô thượng chí chân; không thấy được tận cùng về Lí, thì Mệnh khó tu, Tính khó liễu, cuối cùng hối hận đến già mà chẳng ích gì. Người học ngày nay, hồ đồ xuất gia, hồ đồ học đạo, hồ đồ tu hành, sống thì đã hồ đồ, lúc chết sao có thể trong sáng được? Tính Mệnh là việc thế nào, mà ngươi làm bừa như vậy! Đạo Kim Đan, là đạo bao la trời đất, đạo trộm đoạt tạo hóa vậy, chí tôn chí quý, chí thần chí diệu, không dễ dàng biết được đâu. Người học không nghĩ xem Tính Mệnh của mình là vật gì, chẳng phân biện pháp ngôn của tổ sư có nghĩa gì, chỉ suốt ngày ăn no, chẳng dụng tâm chút nào, nghĩ ngợi lung tung về diệu kỳ của một câu nửa chữ, mà liền muốn thành đạo, ngày thì lêu lổng lung tung, đêm thì kê cao gối ngủ ngon lành, coi Đan kinh là lời vô dụng, coi Tử thư[4] là lời sáo rỗng dối người. Giả xưng người có đạo, lấy sai dẫn sai, cuồng mong thành chân, lấy mù dụ mù. Liền có một hai kẻ có lòng tin, cũng chẳng qua là cưỡi ngựa xem hoa, đâu đã từng suy nghĩ sâu sắc, nghiên cứu đến cùng thực lí. Cổ nhân cũng có nói: “Nhược hoàn chỉ thượng tầm chân nghĩa, biến địa đô thị đại la tiên-Nếu chỉ tìm chân nghĩa trên giấy, thì mặt đất này đầy Đại La Tiên”, là riêng vì kẻ không chịu cầu thầy mà nói ra, chứ không phải nói Đan kinh, Tử thư là vô dụng. Người sau này không biết ý của cổ nhân, phần nhiều dựa vào đó làm bằng chứng, mà liền không thèm hỏi đến kinh thư, thật sai lầm, thật sai lầm. Pháp ngôn của Tiên Chân, một chữ một ý đều không dám xằng bậy đưa ra, một lời nửa câu đều tàng diệu nghĩa, không biết tốn hết bao nhiêu tấm lòng nhân ái, vì đời sau mà làm cái thang tốt, vì giáo môn mà lưu lại những điều quan trọng. Nay ngươi quay lại phỉ báng, tội đó còn có thể nói được sao! Sau này, cao nhân hiền sĩ có sáng tác hay làm gì đó, nói chung đều ở trong phạm vi của cổ nhân, xét đến cùng sự thực, vị tất cao hơn cổ nhân. Cao nhân đời này không lừa người học, thì có thể thấy tiên chân đời xưa chẳng mê hoặc người đời sau đâu. Ta khuyên kẻ có chí, lấy pháp ngôn của cổ nhân, xem xét tỉ mỉ đến tận cùng, nhất quyết cầu thầy, thông tiền đạt hậu, không còn một điểm nghi hoặc, mới có thể thi hành, cẩn thận mắc phải sai lầm tự coi mình là thông minh, mà coi ta là nhất chẳng coi ai ra gì; cũng không được chỉ nghe phong thanh, mà để người mê hoặc ta; cho đến người học mà không thông văn tự, cũng cần ở tục ngữ thường ngôn, mà biện luận ra nghĩa thực. Vì Đại Đạo tàng ở trong tục ngữ thường ngôn, chỉ do người chưa nghĩ sâu thôi. Như “một thể diện”, “một nhân hình”, “hữu khiếu đạo”, “hảo tự tại”, “điên tam đảo tứ”, “tùy phương tựu viên”, “tùy cơ ứng biến”, “sa lí đào kim”, “vô trung sinh hữu”, “thất tử bát hoạt”, “hữu kỉ vô nhân”, “bất tri tử hoạt”, “bất cố tính mệnh”, “chỉ tri hữu kỉ, bất tri hữu nhân”, “tẩu tam gia bất như thủ nhất gia”, “lễ hạ vu nhân, tất hữu sở đắc”, “chỉ tri kì nhất, bất tri kì nhị”, những câu này là đại lộ thiên cơ, rút lấy một hai câu có sao đâu, mà làm cái để tham ngộ, sáng xem chiều nghĩ. Dù không rõ ý chính, mà tri thức dần rộng mở, càng gần với Đạo, cũng không uổng phí tháng năm. Học đến tận cùng về lí, bất luận hiền ngu, ai ai cũng có thể làm được, nếu công phu chăm chỉ không thiếu, thì lâu ngày sẽ tự có sở ngộ. Nhưng cái ngộ đó là ý kiến riêng của mình, không được hạ thủ lung tung. Nếu gặp minh sư, thì cần phải thấu triệt từ đầu đến cuối, truy cứu đến mức rõ ràng, thấy rõ chân tri, đắc tâm ứng thủ, mới không lầm lẫn. Nếu biết trước mà không biết sau, hay biết sau mà không biết trước, biết Âm mà không biết Dương, biết Dương mà không biết Âm, biết thể mà không biết dụng, biết dụng mà không biết thể, hoặc biết hữu vi mà không biết vô vi, hoặc biết vô vi mà không biết hữu vi, hoặc thấy Huyền Quan mà không biết Dược sinh, hoặc biết Dược mà không biết già non, hoặc biết kết Đan mà không biết phục Đan, hoặc biết kết Thai mà không biết thoát Thai, hoặc biết Văn đun mà không biết Vũ luyện, hoặc biết Vũ luyện mà không biết Văn đun, hoặc biết Dương Hỏa mà không biết Âm Phù, hoặc biết Tiến Hỏa mà không biết dừng lại, hoặc biết ôn dưỡng mà không biết trừu thiêm-thêm bớt, chỉ sai một li là đi ngàn dặm, chưa thể thành chân. Không chỉ như vậy, mà còn Âm Dương có trong ngoài, ngũ hành có chân giả. Hai đoạn công phu Tính Mệnh, trước sau hai trời cách biệt, có chân có giả, có giả trong chân, có chân trong giả, có chân trong chân, có giả trong giả. Các chỗ quan trọng này nếu nghiên cứu không thấu triệt, thì đi mà không đến; luận mà không rõ, thì làm mà không thành. Vì thế Lữ Tổ ba lần Hoàn Đan mà chưa thành, sau được Thôi Công [Nhập Dược Kính] mà mới hoàn thành công phu; tổ Tử Dương có cái lo về phong lôi lúc nửa đêm, lại tiếp tục tu trì mà mới xong việc. Như hai vị này, là lãnh tụ trong các thần tiên, một chút không rõ, còn có chỗ không dự liệu được, huống gì người khác đây? Người học cần thật lưu ý.

 

访求真师第四要

Phóng cầu chân sư đệ tứ yếu

Đệ tứ yếu – Phỏng cầu chân sư

Cổ tiên nói: “Nhược vô sư chỉ nhân tri đích, thiên thượng thần tiên vô trụ xử – Nếu không thầy chỉ mà người tự biết được, thì thần tiên trên trời không chỗ mà ở”. Tiếp nữa [Ngộ chân] nói: “Nhiêu quân thông tuệ quá Nhan Mẫn, bất ngộ chân sư mạc cưỡng sai – Mặc anh thông tuệ hơn Nhan Mẫn, không gặp chân sư chớ đoán xằng”, thật là đúng về cái học Tính Mệnh, phải có thầy truyền, không thể đoán xằng đoán bậy mà biết được, xưa tổ Đạo Quang đốn ngộ viên thông, mà tự biết nhất định phải tiếp tục vươn lên, sau gặp được tổ Hạnh Lâm mà thành Đại Đạo; tổ Thượng Dương dù được khẩu quyết của Duyên Đốc, mà không dám tự coi là đủ, còn phải gặp Thanh Thành mà mới đủ hỏa hậu; tổ Tam Phong chịu khổ qua hơn mười năm ở Tung Sơn, chẳng đắc được gì, sau cảm động được Trịnh Lữ nhị tiên chỉ điểm, mới biết đại sự. Dù là nghề mọn thuật con ở thế gian, còn phải nhờ thầy truyền mới biết, huống gì Tính Mệnh đại sự, há có thể không thầy mà biết? Vì đạo Tính Mệnh, là trộm Âm Dương, đoạt tạo hóa, chuyển sinh sát, bắt Khí cơ, là cái đạo Tiên Thiên-trước trời mà trời không trái, quỷ thần không thể dò, cỏ thi mai rùa không thể bói ra được, người được nó liền bước lên đất thánh, sang thẳng Bỉ Ngạn, là việc lớn nhất thiên hạ, là việc khó nhất thiên hạ, nếu không phải Thánh sư ghé tai truyền ngôn, làm sao mà biết được? Chỉ là bàng môn 3.600 môn, Đan pháp 72 phẩm, lấy tà hại chính, lấy giả loạn chân, ai là manh sư-thầy mờ, ai là minh sư-thầy sáng, thật khó luận rõ. Nhưng luận rõ cũng dễ, thường là cao nhân xuất thế, tự mệnh bất phàm, độc huyền tuyệt điều[5], không kết giao bừa bãi, không nịnh đời, không đồng đảng, không cần danh, chẳng nhờ tiền tài, không mưu lợi, không dối người, không quái đản, một câu một lời, đều có ích với thế đạo, đi hay đứng, đều có ích lớn cho thánh giáo. Tham, sân, si, ái đều không có. Ý, tất, cố, ngã đều hóa hết. Phẩm tiết thanh cao, ai ai cũng không thể bằng, tấm lòng rộng mở, chẳng ai đạt được. Thảng hoặc đề cử chí sĩ, cũng phải vất vả trăm chiều, thử nghiệm chân giả, nếu thực là ngọc quý không vết, mới dám chỉ ra đầu mối; nếu là kẻ xấu, thì quyết không dám tiết lộ thiên cơ. Vì thế mà là minh sư-thầy sáng vậy. Nếu như manh sư-thầy mờ chả có gì mà coi là có, rỗng tuếch mà coi là đầy, chẳng dám tự nghĩ mình sai, lại đem đường sai ra dạy người. Có kẻ chỉ nam nữ là Âm Dương, có kẻ coi gạo thường là Thử Châu, có kẻ coi Lô Hỏa là Ngoại Đan, có kẻ luyện tâm thận là Nội Đan, có kẻ coi tồn tưởng là ngưng thần, có kẻ thi hành Tý Ngọ trừu thiêm-thêm bớt, có kẻ vận chuyển lộc lô[6] là Chu Thiên, có kẻ nhận ngoan không là vô vi, có kẻ coi vận khí là hữu vi, có kẻ coi vong hình là tu tĩnh, có kẻ luyện thụy-luyện ngủ là Thoái Âm, có kẻ uống lưu hoàng là Tiến Dương, có kẻ nhịn ăn ngũ cốc để kéo dài tuổi thọ, đủ loại như vậy, không sao đếm xiết. Cái bọn ấy, không nói việc công đức, tiết tháo thì không lập, thân mặc áo vá mà eo lưng giắt túi tiền, đầu đội mũ cài trâm[7] mà tâm như rắn rít, thấy phú quý thì lưu tâm, gặp khốn khổ thì quên đạo, uống rượu ăn thịt, chẳng quan tâm đến mồ hôi và máu của thập phương, mất danh dự bại giáo quy, có hay vạn kiếp trầm luân; lúc làm việc, chỉ dụng công ở chỗ tiền tài, khi cử động, toàn phí tâm tư vào quần áo và ăn uống, vừa lậy một cái, liền thu làm đồ đệ, một chén trà một bữa cơm, liền truyền đạo luôn, mượn môn hộ của thánh hiền, mà tự lừa dối thế nhân, trộm pháp ngôn của Tiên Phật, mà tác yêu tác quái, chỉ biết thân mình no ấm, quản gì người khác sống chết. Người học nếu nghe thấy nói năng như vậy mà không xét kỹ hành vi, lấy hữu đạo mà xem xét, thì chưa có ai không mắc vào lưới mà làm thương hại Tính Mệnh. Huống gì bị lời đó mê hoặc, nhận giả làm chân, cố kết không gỡ được, tuy có cao chân thánh sư muốn nâng đỡ, cũng chẳng có cửa mà vào. Đạo nhân trong thiên hạ gặp cái khó này, không chỉ một đâu. Bọn tu hành áo đen áo vàng, đi đông đi tây, ai không có vài tập công án? Ai không có vài câu sáo ngữ? Chỉ dựa vào mấy lời nói suông mà chọn người, thì ai ai cũng là Phật, người người là Tiên. Xin hỏi, người học đạo ngàn ngàn vạn vạn, người thành đạo được bao lăm? Đại để thánh hiền không thường gặp, Tiên Phật chẳng được nhiều, vì không thường thấy, không được nhiều, nên là cao nhân. Cao nhân hơn hẳn đồng loại, vượt hẳn hơn người, há vì vài lời nói suông mà thành cao nhân! Năm xưa thầy ta bí mật truyền kim thạch nhất phương, thích phân biện thân phận cao thấp của người. Nếu gặp người tu hành, lấy tửu sắc tài khí mà thử, nếu có thể không động tâm, tất là kẻ phi phàm, bèn lấy [Ngộ chân], [Tham đồng] ra căn vặn, mà ứng đối trôi chảy, tức là minh sư. Thí nghiệm nhiều lần, bách phát bách trúng, nguyện đem phép này, dâng tặng các vị cùng chí hướng.

 

炼己筑基第五要

Luyện kỉ trúc cơ đệ ngũ yếu

Đệ ngũ yếu – Luyện kỉ trúc cơ

[Thấm viên xuân] nói: “Thất phản Hoàn Đan, tại nhân tu tiên luyện kỉ đãi thì-Thẩt phản Hoàn Đan, là ở người ta đầu tiên Luyện Kỉ đợi thời”. [Ngộ chân thiên] nói: “Nhược yếu tu thành cửu chuyển, tiên tu luyện kỉ trì tâm-Nếu muốn tu thành cửu chuyển, đầu tiên cần Luyện Kỉ giữ tâm”. Vì đạo tu chân, thì Hoàn Đan rất dễ, mà Luyện Kỉ rất khó, nếu không Luyện Kỉ mà muốn Hoàn Đan, thì tuyệt không có lí này. Hoàn Đan giống như cột chính của phòng ốc; Luyện Kỉ giống như nền móng của phòng ốc. Nếu chưa xây đắp nền móng, thì cột chính không chỗ mà dựng; chưa từng Luyện Kỉ, thì Hoàn Đan không thể ngưng kết. Người học đắc khẩu quyết của thầy, cần nhanh chóng Luyện Kỉ, Luyện Kỉ thuần thục, thì lúc vào Lô, kinh nghiệm đầy mình, đắc tâm ứng thủ, Diên Hống nhảy vào nhau, Tình Tính tương hợp, tự nhiên không bị cái họa có rồi lại mất. Chỉ vì người ta từ lúc sinh ra đến nay, Dương cực sinh Âm, Tiên Thiên chạy mất, Hậu Thiên chiếm quyền, vật cũ năm xưa, hoàn toàn chẳng còn là của ta, thêm vào trăm cái ưu phiền cảm nhiễm vào tâm, vạn sự làm lao nhọc thân thể, Tinh rò rỉ, Thần hôn mê, Khí suy bại, coi ảo thân này giống như nồi hỏng hũ vỡ. Nồi hỏng hũ vỡ, không chứa được nước; thân thể con người suy bại, thì hoàn không được Đan, cũng là một lí cả. Nên tuy là Hậu Thiên giả vật, không phải là dược liệu để Hoàn Đan, nhưng chưa Hoàn Đan, thì vẫn còn phải nhờ cậy nó để thành công, và cũng không được có tổn thương. Cổ nhân nói: “Nhược vô thử mộng ảo, đại sự hà do bạn? Nhược hoàn đại sự bạn, hà dụng thử mộng ảo?-Nếu không có mộng ảo này, thì đại sự làm từ đâu? Nếu còn làm đại sự, thì dùng mộng ảo thế nào?” lại nói: “Bất phạ Tiên Thiên vô chân chủng, chỉ phạ Hậu Thiên bất phong quang-Chẳng sợ không có chân chủng của Tiên Thiên, chỉ sợ Hậu Thiên không tươi tốt”. Vì Hậu Thiên đủ thì Tiên Thiên có thể hồi phục, Tiên Thiên hồi phục thì Hậu Thiên có thể hóa, công phu Luyện Kỉ trúc cơ, há có thể coi thường! Thế nào là Luyện Kỉ? Bớt tham không ái là Luyện Kỉ; giữ chắc Âm Tinh là Luyện Kỉ; rèn luyện ma ngủ là Luyện Kỉ; vất vả làm lợi cho người là Luyện Kỉ; ra sức làm việc là Luyện Kỉ; lòng chẳng kể công, bỏ hết thế sự là Luyện Kỉ; dũng mãnh tinh tiến, coi đạo là nhiệm vụ của ta là Luyện Kỉ; chân bước vào thực địa, bước nào cũng cố gắng là Luyện Kỉ; phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất là Luyện Kỉ; bị hạt hoài ngọc, đại trí nhược ngu, đại xảo nhược chuyết[8] là Luyện Kỉ. Công phu Luyện Kỉ khá nhiều, tóm lại là lấy vô kỉ-không vì ta làm mục tiêu hướng đến. Lão Tử nói: “Ngô chi sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân, cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?-Ta sở dĩ có nỗi lo lớn, là vì ta có thân, đến lúc ta không có thân, thì ta có lo gì”. Luyện Kỉ luyện đến lúc vô kỉ, ngoại kì thân nhi thân tồn[9], Hậu Thiên ổn thỏa, nền móng kiên cố, Tiên Thiên Chân Dương quay lại, trộn vào nhau thành một. “Tiên Thiên Khí, Hậu Thiên Khí, đắc chi giả, thường tự túy-Tiên Thiên Khí, Hậu Thiên Khí, người được nó, thường tự say”, chỉ trong một giờ đảm bảo Đan thành. Nếu Luyện Kỉ, mà nhanh chóng thi hành công phu nhất thời, thì Hậu Thiên không vững chắc, Tiên Thiên tuy gần trong gang tấc, mà chưa chắc đã là của ta. Vì là Diên đến mà Hống đón lầm, Khảm tới mà Li không nhận, anh tới mà tôi không đợi vậy. Ôi! Lúc trúc cơ cần dùng thác thược, lúc Luyện Kỉ còn cần Chân Diên. Luyện Kỉ trúc cơ, há dễ làm sao!

 

和合阴阳第六要

Hòa hợp Âm Dương đệ lục yếu

Đệ lục yếu – Hòa hợp Âm Dương

Đạo tu chân là đạo Kim Đan; đạo Kim Đan là đạo của tạo hóa; đạo của tạo hóa là đạo của Âm Dương. [Dịch] nói: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo-Một Âm một Dương gọi là Đạo”. lại nói: “Thiên địa nhân uân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh-Trời đất mịt mờ vạn vật hóa thuần, nam nữ giao tinh, vạn vật hóa sinh”. Mà cô Âm bất sinh, độc Dương bất trưởng, nên Âm Dương tương hợp, mới có thể sinh đẻ được. Đạo Kim Đan chỉ là hái giữ Tiên Thiên Chân Nhất Chi Khí. Tiên Thiên Chi Khí, vô hình vô tượng, nhìn thì không thấy, lắng tai nghe cũng chẳng thấy, bắt thì không được, là thứ từ trong hư vô tới. Thánh nhân lấy cái thực để hình dung cái hư, lấy cái hữu để hình dung cái vô. Thực mà hữu là Chân Âm Chân Dương; hư mà vô là Khí Nhị Bát Sơ Huyền. Khí Sơ Huyền là Tiên Thiên Khí, Khí này không phải là do Âm Dương giao cảm, nên không thể có hình tượng. Nếu muốn tu Kim Đan Đại Đạo, trừ cái Âm Dương này ra, chẳng có thuật gì khác. Nhưng Âm Dương không giống nhau, nếu như nhận giả là chân, thì phí hoài tâm lực, vô ích hữu tổn, không thể không tranh biện. Âm Dương của nam nữ là Âm Dương của trần thế; Âm Dương của tâm thận là Âm Dương của ảo thân; Âm Dương của nhật nguyệt là Âm Dương của trời đất; Đông Chí Hạ Chí là Âm Dương của một năm; sáng ngày Sóc tối ngày Vọng là Âm Dương của một tháng; giờ Tý giờ Ngọ là Âm Dương của một ngày; nhị hậu tứ hậu[10] là Âm Dương của một giờ. Những cái đó đều không phải Âm Dương của Kim Đan. Âm Dương của Kim Đan, lấy ngã gia-nhà ta làm Âm, lấy tha gia-nhà nó làm Dương; ngã-ta là Li, tha- là Khảm; Nhất Âm trong Li là Chân Âm, Nhất Dương trong Khảm là Chân Dương. Thủ Khảm điền Li, là lấy Chân Âm cầu Chân Dương, lấy Chân Dương giúp Chân Âm dã. Còn nữa, Âm Dương có trong ngoài khác nhau: Âm Dương bên trong, là Âm Dương thuận hành, là việc sau khi sinh thân, là Hậu Thiên, là nhân đạo; Âm Dương bên ngoài, là Âm Dương nghịch vận, là việc trước khi sinh thân, là Tiên Thiên, là Tiên đạo. Âm Dương trong ngoài đều không có các tướng nam nữ, phi sắc phi không, tức sắc tức không; phi hữu phi vô, tức hữu tức vô. Nếu chấp vào sắc không hữu vô chi hình, thì không phải là dấu vết thật của Chân Âm Chân Dương. Đã biết Âm Dương, cần phải điều hòa cho chúng tương đương nhau, không nhiều không ít, không lệch không nghiêng, không nhanh không chậm, chẳng có chẳng không, không gần không xa, không nóng nảy không hèn yếu, hoặc Dương động mà Âm theo, hoặc Âm cảm mà Dương ứng, hoặc dùng Dương trong Âm, hoặc dùng Âm trong Dương, hoặc mượn Âm để làm đủ Dương, hoặc dùng Dương để chế Âm, hoặc dùng Âm Dương bên trong để trợ bên ngoài, hoặc dùng Âm Dương bên ngoài để giúp bên trong, trong ngoài hợp đạo, Kim Đan kết tựu từ trong hư vô, lấy xuống mà uống, thì trường sinh bất tử.

[Tham đồng] nói: “Đồng loại dịch thi công, phi chủng nan vi xảo-Đồng loại thì dễ thi công, khác giống thì khó mà làm cho phù hợp được”.

[Ngộ chân] nói: “Nội Dược hoàn đồng Ngoại Dược, nội thông ngoại diệc tu thông, đan đầu hòa hợp loại tương đồng, ôn dưỡng lưỡng bàn tác dụng-Nội Dược hoàn cùng Ngoại Dược, trong thông ngoài cũng cần thông, Đan hòa hợp các loại tương đồng, có hai tác dụng ôn dưỡng”.

Tổ Tam Phong nói: “Thế gian Âm Dương nam phối nữ, sinh tử sinh tôn đại đại truyền. Thuận vi phàm, nghịch vi tiên, chỉ tại trung gian điên đảo điên-Âm Dương ở đời là nam phối nữ, sinh con sinh cháu nối đời đời. Thuận là phàm, nghịch là Tiên, chỉ nhờ ở trong điên đảo điên”.

Đạo điều hòa Âm Dương toàn là như vậy.

 

审明火候第七要

Thẩm minh hỏa hậu đệ thất yếu

Đệ thất yếu – Thẩm minh hỏa hậu

Cổ kinh nói: “Thánh nhân truyền Dược bất truyện Hỏa, hỏa hậu tòng lai thiểu nhân tri-Thánh nhân truyền Dược không truyền Hỏa, xưa nay hỏa hậu ít người hay”. Tức là Dược vật thì dễ biết, mà hỏa hậu là cực khó. Vì Dược vật tuy khó tìm, nhưng nếu gặp minh sư chỉ rõ, nhìn rõ Chân Tri, hiện tại đã có, chẳng cần cầu nơi khác, vì thế mà dễ biết. Còn đến hỏa hậu, có Văn đun, có Vũ luyện, có hạ thủ, có dừng nghỉ, có trong ngoài, có trước sau, có thời khắc, có cân lượng, có nhanh chậm, có dừng lại, mỗi bước lại có mỗi bước hỏa hậu, bước nào cũng có hỏa hậu của bước đó, biến hóa đa đoan, tùy thời mà thi hành, mới có thể đúng được. Nếu sai một li là đi ngàn dặm. Vì thế mà cực khó. Thế nào là Hỏa? Là Thần Công nung luyện. Thế nào là Hậu? Là thời khắc vận dụng vậy. Thời khắc vận dụng ở lúc Hồng Mông mới phân, mà Âm Dương còn chưa phân; Thần Công nung luyện là ở lúc tại thiên nhân hợp phát, hữu vô chẳng lập. Còn có Ngoại Hỏa Hậu, Nội Hỏa Hậu. Ngoại Hỏa Hậu là hội tụ ngũ hành, hòa hợp tứ tượng; Nội Hỏa Hậu là mộc dục ôn dưỡng, phòng nguy lự hiểm. Tuy Nội Ngoại Nhị Dược tương đồng, mà vận dụng Hỏa Hậu lại rất khác nhau, chẳng gặp chân sư, sao mà biết được? Hội tụ ngũ hành, hòa hợp tứ tượng, là trộm sinh cơ của trời đất, trộm Tổ Khí của Âm Dương, quay Đẩu Bính[11] mà chuyển Thiên Khu, mở Khôn Môn mà đóng Cấn Hộ, kì diệu ở lúc sau khi tích Âm thì Nhất Dương Lai Phục. Lúc này cùng thiên địa hợp đức, cùng nhật nguyệt hợp sáng, cùng bốn mùa hợp thứ tự, cùng quỷ thần hợp cát hung, mà nói một năm chỉ có một tháng, một tháng chỉ có một ngày, một ngày chỉ có một giờ là vậy. Chỉ có một giờ này, dễ mất mà khó tìm, dễ lầm mà khó gặp, được nó thì nhập vào con đường sống, mất nó thì nhập vào con đường chết. Trong một giờ này, Thánh nhân vận động Âm Phù Dương Hỏa, rút Thiên Căn mà khoan Nguyệt Quật, phá hỗn độn mà nhón lấy Thử Châu, hồi hết những cái quan trọng của 72 hậu[12], đoạt chính khí của 24 tiết. Thủy hỏa tương tế ở đây, Kim Mộc giao nhau tại đây, Diên Hống nhảy vào nhau ở đây, An Thân Lập Mệnh tại đây, xuất tử nhập sinh tại đây. Nếu qua mất giờ này, thì Âm Dương phân li, cái Chân tàng mất mà cái Giả chiếm quyền, mà rơi vào Hậu Thiên, không dùng được vậy.

Rồi đến:

– “Khúc Giang ngạn thượng nguyệt hoa oánh-Trên bờ Khúc Giang ánh trăng lóng lánh”, là Hỏa Hậu sinh Dược;

– “Phong tín lai thì mịch bổn tông-Lúc tiếng gió đến thì tìm bản tông”, là Hỏa Hậu hái Dược;

– “Thủy sinh nhị dược chánh chân, nhược đãi kì tam bất khả tiến-Thủy sinh hai Dược là chính chân, nếu đến ba lần không được tiến”, là Hỏa Hậu già non;

– “Diên ngộ Quý sinh tu cấp thái, Kim phùng vọng viễn bất kham thường-Diên gặp Quý mà sinh thì nhanh chóng hái, Kim phùng vọng viễn không dám nếm”, là Hỏa Hậu nhanh chậm;

– “Hốt kiến hiện long tại điền, tu mãnh phanh nhi cấp luyện; đãn văn hổ khiếu nhập quật, nghi đảo chuyển dĩ nghịch thi-Đột nhiên thấy Hiện Long Tại Điền, cần nấu luyện mạnh mẽ; chỉ nghe Hổ gầm xông vào huyệt, cần đảo chuyển để làm ngược lại”, là dùng Vũ Hỏa Hậu;

– “Mạn thủ dược lô khán hỏa hậu, đãn an thần tức nhậm thiên nhiên-Chẳng cần giữ lò canh hỏa hậu, chỉ an thần tức mặc thiên nhiên”, là dùng Văn Hỏa Hậu;

– “Vị luyện hoàn đan tu cấp luyện, luyện liễu hoàn tu tri chỉ túc-Chưa luyện Hoàn Đan cần mau luyện, luyện xong rồi cần biết dừng lại”, là Hỏa Hậu ôn dưỡng;

– “Chỉ nhân hỏa lực điều hòa hậu, chủng đắc Hoàng Nha tiệm trường thành-Chỉ vì sức hỏa được điều hòa, mà trồng được Hoàng Nha tự lớn lên”, là Hỏa Hậu của Đan thành;

– “Thác tâm tri, cẩn hộ trì, chiếu khán lô trung hỏa hậu phi-Bày tâm trí, cẩn thận hộ trì, chiếu xem trong lô hỏa hậu phi”, là Hỏa Hậu bảo vệ Đan;

Đó đều là Hỏa Hậu của Hoàn Đan. Đến Hỏa Hậu của Đại Đan, lại có diệu dụng riêng.

– “Thụ khí cát, phòng thành hung-Nhận Khí lành, đề phòng hung hiểm lúc thành”, là Hỏa Hậu của kết Thai;

– “Hỗn độn thất nhật tử phục sinh, toàn bằng lữ bạn điều thủy hỏa-Hỗn độn bẩy ngày chết rồi sống lại, toàn nhờ bạn hữu điều hòa thủy hỏa”, là Hỏa Hậu củng cố vững chắc thành công;

– “Tống quy Thổ Phủ lao phong cố, thứ nhập Lưu Châu tư phối đương-Đưa về Thổ Phủ giam chắc lại, rồi nhập Lưu Châu là lúc phối hợp”, là Hỏa Hậu dưỡng Thai;

– “Dụng Diên bất đắc dụng phàm Diên, dụng liễu Chân Diên dã Khí quyên-Dùng Diên không được dùng Phàm Diên, dùng xong Chân Diên cũng bỏ đi”, là Hỏa Hậu trừu thiêm-thêm bớt;

– “Đan táo hà xa hưu khốt khốt, hạc thai quy tức tự miên miên-Lò bếp nấu Đan, Hà Xa ngừng chăm chỉ, thì hạc thai quy tức tự liên miên”, là Hỏa Hậu mộc dục-tắm gội nghỉ ngơi;

– “Nhất nhật nội, thập nhị thì, ý sở đáo, giai khả vi-Trong một ngày, 12 giờ, ý mà đến đều có thể tiến hành”, là Hỏa Hậu phòng nguy;

– “Anh Nhi thị nhất hàm chân khí, thập nguyệt thai hoàn nhập thánh cơ-Anh Nhi là Nhất Hàm Chân Khí, mười tháng thai tròn vào đất Thánh”, là Hỏa Hậu thành Thai;

– “Quần âm bác tẫn đan thành thục, khiêu xuất phàm lung thọ vạn niên-Lọc hết cặn Âm thì Đan chín đủ, thoát khỏi cõi phàm thọ vạn niên”, là Hỏa Hậu thoát Thai; đây là Hỏa Hậu từ đầu đến cuối của Đại Đan. Còn có Hỏa Hậu trong ngoài hai tác dụng.

– “Phàm tục dục cầu thiên thượng sự, dụng thì tu yếu thế gian tài-Kẻ phàm tục muốn cầu lên trời, thì cần phải dùng tiền tài thế gian”, là Hỏa Hậu trong Hỏa Hậu hái Dược;

– “Yển Nguyệt Lô trung Ngọc Nhụy sinh, Chu Sa Đỉnh lí Thủy Ngân bình-Ngọc Nhụy sinh trong Yển Nguyệt Lô, Thủy Ngân bình trong Chu Sa Đỉnh”, là Hỏa Hậu trong Hỏa Hậu Kết Đan; “Đệ thất nhật dương phục khởi thủ, biệt diệu dụng hỗn hợp bách thần-Ngày thứ bảy Dương bắt đầu phục, có diệu dụng riêng hợp Bách Thần”, là Hỏa Hậu trong Hỏa Hậu Kết Thai;

– “Hữu vô câu bất lập, vật ngã tất quy không-Hữu vô đều không lập, ta vật phải cùng không”, là Hỏa Hậu của Hỏa Hậu Thoát Thai;

Bí mật về Hỏa Hậu của Nội Ngoại Nhị Đan, tất cả là ở đây vậy. Bên trong còn có chỗ cực kì tinh vi ảo diệu, cần phải dùng thần mà soi sáng, tồn ở trong người, lúc tới thì biến thông, không thể dùng câu chữ để truyền vậy.

 

外药了命第八要

Ngoại dược liễu mệnh đệ bát yếu
Đệ bát yếu – Ngoại Dược liễu Mệnh

[Ngộ chân] nói: “Hưu thi xảo ngụy vi công lực, nhận thủ tha gia bất tử phương-Ngừng thi hành công lực giả dối, nhận giữ nơi bất tử của nhà kia”. Duyên Đốc Tử viết: “Tiên Thiên Chi Khí tự hư vô trung lai-Tiên Thiên Chi Khí t trong hư vô tới”. Nói nhà kia, nói hư vô, thì biết là không phải vật của một mình ta sinh ra. Nói đến chỗ này, trời và người đều đang kinh nghi vậy. Trời dựa vào Âm Dương ngũ hành mà hóa sinh vạn vật, Khí đã thành hình, người được chính khí trời cho, mà là vạn vật chi linh, có Khí này là có cái Lí này. Khí là Mệnh; Lí là Tính. Là Tính Mệnh tức là do trời trao cho. Mới đầu thì trời trao cho, cuối cùng thì trời đoạt lấy, đây là cái thế tất phải có. Nếu dựa vào vật Hậu Thiên ảo thân mà tranh quyền với trời, tóm lại chỉ ở trong bàn tay của tạo hóa, sao có thể thoát khỏi tạo hóa? Nếu không có đạo Kim Dịch Hoàn Đan, mà vọng tưởng bảo toàn Tính Mệnh, thì tuyệt không có lí này. Đạo Kim Dịch Hoàn Đan, là đạo Tiên Thiên-trước trời. Đạo Tiên Thiên thì bao la trời đất, vận động Âm Dương, là cái cơ bí mật nằm ngoài trời đất, nên có thể hết sinh tử mà tránh luân hồi, xuất phàm trần mà nhập thánh cơ. Nhưng cái cơ này tuy xa cách ngàn dặm, mà lại gần trong tấc gang, chỉ tiếc là thế nhân không chịu nhận cái Chân, nên nó ngày càng xa cách, tuyệt không quay lại, thật là tự đuổi Tính Mệnh. Nếu có chí sĩ, nghiên cứu đến cùng thực lí, đột nhiên phá hết chỗ hồ nghi, rõ ràng buông bỏ, thẳng lên Bỉ Ngạn, thì Kim Đan đỏ rực một ngày là thành, chẳng phải đợi ba năm chín năm làm gì. Nhưng Đan thành rất dễ, mà tu luyện rất khó, giả sử không có đạo hư thực tương ứng, Âm Dương biến hóa, dùng thuật kéo dài Mệnh, thì Kim Đan không kết. Đạo dùng thuật kéo dài Mệnh, là đạo đoạt quyền của thiên địa tạo hóa, trộm cơ quan tin tức của Âm Dương, chuyển sinh sát, lay Đẩu Bính, Tiên Thiên-trước trời mà trời không trái. [Âm phù kinh] nói: “Kì đạo cơ dã, thiên hạ mạc năng tri, mạc năng kiến-Cái cách trộm cơ quan này, thiên hạ chẳng ai hay, chẳng ai thấy”. [Ngộ chân] nói: “Thủy vu hữu tác nhân nan kiến, cập chí vô vi chúng thủy tri. Đãn kiến vô vi vi yếu diệu, khởi tri hữu tác thị căn cơ-Bắt đầu ở hữu tác thì người khó thấy, đến lúc vô vi họ mới hay. Chỉ thấy vô vi là yếu diệu, há hay hữu tác là căn cơ”. Vì người ta từ sau khi Tiên Thiên thất tán, Chân Dương đã hao tổn, hình hài tuy là đàn ông, mà bên trong đều là Âm, nếu chấp vào tự mình mà tu, chẳng qua là Thế Thóa Tân Tinh Khí Huyết Dịch[13], chẳng qua là Nhãn Nhĩ Tị Thiệt Thân Ý, chẳng qua là thất tình lục dục, ngũ uẩn bát thức, tam bành bách huyệt, là dùng Âm giúp Âm, thì Mệnh do đâu mà tiếp, Đan do đâu mà tiếp? Nên [Tham đồng] nói: “Tẫn kê tự noãn, kì sồ bất toàn-Gà mái tự đẻ trứng, thì không ấp thành gà con được”, là chứng cớ vậy. Cái mà Đan kinh gọi là Ngoại Dược là vì Chân Dương ngã gia-nhà ta thất tán ra ngoài, không thuộc về ta, ở nhà tha gia-nhà khác, nên lấy từ ngoại để đặt tên. Kẻ mê không biết, hiểu lầm chữ tha-chỗ khác, chữ ngoại-bên ngoài, hoặc lầm thành Ngự Nữ Khuê Đan, hoặc nhầm thành Ngũ Kim Bát Thạch, hoặc nhầm thành thiên địa nhật nguyệt, hoặc nhầm thành mây trời cây cỏ, cho đến bao nhiêu là vật hữu hình. Thật không biết rằng Đại Dược chân chính, phi sắc phi không, phi hữu phi vô, là cái Khí ban đầu lúc Hồng Mông chưa tách, là cái cốt lõi ban đầu khi trời đất chưa phân, thuận thì sinh người sinh vật, nghịch thì thành Tiên thành Phật. Thánh nhân dùng phép truy nhiếp, trong một giờ kết thành một hạt Thử Châu, tên gọi Dương Đan, cũng gọi là Hoàn Đan, cũng gọi là Kim Đan, cũng gọi là Chân Diên, dùng Chân Diên này điểm hóa Âm Hống của ta, như mèo bắt chuột, chớp mắt Càn Hống[14] kết thành Thánh Thai, vì thế có tên là Ngoại Dược. Thử bày tỏ tỉ mỉ xem:

– “Dược xuất tây nam thị Khôn vị, dục tầm Khôn vị khởi li nhân-Dược ra tại vị trí Khôn ở Tây Nam, muốn tìm vị trí Khôn há lại rời người” là Ngoại Dược;

– “Sơ tam nhật, Chấn xuất Canh, Khúc Giang ngạn thượng nguyệt hoa oánh-Ngày mùng ba, Chấn ở phương Canh, trên bờ Khúc Giang ánh trăng óng ánh” là Ngoại Dược;

– “Kim Đỉnh dục lưu Chu lí Hống, Ngọc Trì tiên hạ Thủy trung Ngân-Trong Kim Đỉnh muốn giữ Hống trong Chu, đầu tiên trong Ngọc Trì phải hạ Ngân trong Thủy” là Ngoại Dược;

– “Thủ tương Khảm vị tâm trung thật, điểm hóa Li cung phúc nội Âm-Lấy một hào Dương trong quẻ Khảm, điểm hóa hào Âm giữa quẻ Li” là Ngoại Dược;

– “Yển Nguyệt Lô trung Ngọc Nhụy sinh, Chu Sa Đỉnh nội Thủy Ngân bình- Ngọc Nhụy sinh trong Yển Nguyệt Lô, Thủy Ngân bình trong Chu Sa Đỉnh” là Ngoại Dược;

– “Khảm Li chi khí hòa hợp, Hoàng Nha tự sinh-Khí của Khảm Li hòa hợp thì Hoàng Nha tự sinh”, là Ngoại Dược; nhưng Dược vốn ở bên ngoài, làm sao mà hướng được vào trong mà sinh? Dược thuộc về tha-chỗ khác, làm sao được là của ngã-ta? Kinh nói:

– “Ngũ hành thuận sinh, pháp giới hỏa khanh; ngũ hành điên đảo, đại địa thất bảo-Ngũ hành mà thuận sinh thì pháp giới là vực lửa, Ngũ hành mà điên đảo thì khắp mặt đất là Thất Bảo”.

Mộc vốn sinh Hỏa, nay Hỏa phản sinh Mộc; Kim vốn sinh Thủy, nay Thủy phản sinh Kim; trong Kim Mộc Thủy Hỏa ẩn tàng Mậu Thổ và Kỉ Thổ, hòa tứ tượng mà phối ngũ hành, vận dụng Nhất Khí, phục thành Thái Cực, công phu hỏa hậu đến ngày, luyện thành một hạt Chí Dương Đan, lấy mà nuốt, thì trường sinh bất tử, cùng trời đất đồng xuân, cùng nhật nguyệt tranh sáng, mà nói “Nhất lạp Kim Đan thôn nhập phúc, thủy tri ngã mệnh bất do thiên giả-Một hạt Kim Đan nuốt vào bụng, mới hay sống chết chẳng do trời” là vậy. Ôi! Vạn lạng hoàng kim mua không được, trước Thập Tự Nhai tiễn kẻ chí nhân. Kim Đan đại đạo, vạn kiếp nhất truyền, chí tôn chí quý, kẻ được nó lập tức lên đất thánh, không đợi đầu thai kiếp sau, trước mắt có được thần thông của Phật, người thích gì mà không tích đức tu đạo vậy?

 

内药了性第九要

Nội dược liễu tính đệ cửu yếu

Đệ cửu yếu – Nội Dược liễu Tính

[Đạo đức kinh] nói: “Hữu dục dĩ quan kì khiếu, vô dục dĩ quan kì diệu-Hữu dục để xem cái Khiếu đó, vô dục để xem điều kì diệu”. Hai câu này là từ đầu đến cuối của Kim Đan đại đạo, là yếu quyết của người học xưa nay. Không được Ngoại Dược, thì không thể ra khỏi Âm Dương; không thành Nội Dược, thì không thể hình thần câu diệu. Bậc Thượng Đức thì tu Nội Dược, mà Ngoại Dược liền toàn vẹn; kẻ Hạ Đức tu Ngoại Dược, mà Nội Dược mới thành được. Ngoại Dược là tiệm pháp-phép dần dần mà tiến, Nội Dược là đốn pháp­-phép xong nhanh chóng. Ngoại Dược là để siêu phàm, Nội Dược là để nhập thánh. “Hữu dục quan khiếu” là Ngoại Dược, trộm đoạt công phu của tạo hóa, là việc của ảo thân; “Vô dục quan diệu” là Nội Dược, là cái học minh tâm kiến tính, là việc của pháp thân. Nếu Ngoại Dược đã đắc, mà không tu Nội Dược, là như Lữ Tổ nói “Thọ đồng thiên địa nhất ngu phu­-Một kẻ ngu thọ cùng trời đất” vậy. Huống gì cái mà Đại Đan khó được chính là Ngoại Dược, Ngoại Dược đến tay, tức là Nội Dược, thì Thánh Thai có hình tượng, công phu Âm Phù, chính nhờ như vậy. [Tham đồng] nói: “Nhĩ mục khẩu tam bảo, bế tắc vật phát thông, chân nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ quy trung-Tại mắt miệng tam bảo, đóng lại không thông ra ngoài, chân nhân ẩn thân nơi vực sâu, bồng bềnh giữ Quy Trung” mà nói “Vô dục quan diệu” là vậy. “Vô dục quan diệu” là đạo vô vi, nhưng vô vi chẳng phải là cỏ khô tro lạnh, tuyệt không nói đến một việc, mà bên trong có triêu truân mộ mông-sáng tụ chiều che, rút Diên thêm Hống, phòng nguy lự hiểm, công phu củng cố vững chắc việc thành Thánh Thai. Vì thế dung hòa ngũ hành mà hóa Âm Dương, cho đến khi đạo pháp đều quên, hữu vô chẳng lập, mười tháng sương bay, ngoài thân có thân, cực vãng tri lai[15], quay về nơi Chân Như Đại Giác, là Phật Tổ nói Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm, đại đạo Tối Thượng Nhất Thừa. Nếu chẳng phải là sau khi liễu Mệnh mà vội thì hành công phu này, thì căn bản không vững, hư mà không thực, chưa từng được nung luyện trong Đại Tạo Lô, dù cho liễu được Chân Như Tính, nếu có một chút rò rỉ, thì khó tránh khỏi cái họa phao thân nhập thân[16]. Hậu nhân không biết cái ý của cổ nhân khi lập ngôn, phần nhiều coi cái Lí về Tính là không đáng quý trọng, thử hỏi người học ở thế gian, có bao kẻ biết rõ về Niết Bàn Chi Tâm đây? Có bao kẻ thấy rõ Chân Như Tính đây? Niết Bàn Tâm, Chân Như Tính, trong văn vắt, đỏ rừng rực, tròn quay quay, sáng lấp lánh, thông thiên triệt địa, không thể dùng Hậu Thiên nhân tâm huyết tính mà nhìn. Cổ nhân cũng có người liễu Tính mà không liễu Mệnh, nên có câu “vạn kiếp Âm Linh khó nhập thánh”, là riêng vì kẻ chưa tu Mệnh chỉ tu Tính mà nói ra. Nếu đã liễu Mệnh, sao lại không tu Tính? Nếu không tu Tính, thì cố chấp khi ứng vật, uổng có gia tài mà không có chủ. Nếu không tu Tính, tuy ảo thân đã thoát, mà pháp thân khó thoát. Nếu không tu Tính, thì chỉ có thể trường sinh, mà không thể vô sinh. Nếu không tu Tính, dù có thể liễu được lúc mới sinh thân, mà khó hoàn thiện được lúc trước khi sinh thân. Công phu Nội Dược liễu Tính, quan hệ rất lớn, sự nghiệp vô cùng, đều cần ở chỗ này kết quả, sao được coi thường Tính? Ta mong người thành đạo, trước khi tu Tính, hãy nhanh chóng tu Mệnh; sao khi liễu Mệnh, hãy nhanh chóng liễu Tính. Âm Dương cùng sử dụng, Tính Mệnh Song Tu, từ hữu vi mà nhập vô vi, đến khi hữu vô chẳng lập, đả phá hư không, nhập vào nơi Bất Sinh Bất Diệt, thì việc tu chân có thể xong vậy.

[1] Manh sư: thầy mù mờ, Minh sư: thầy sáng suốt, thầy giỏi

[2] Tam thiên công mãn, bát bách hành hoàn: xong 3.000 công, hoàn thành 800 việc.

[3] Nguyên văn: Khẩu đầu thiền: lời nói sáo rỗng về thiền, ví dụ như các công án của thiền

[4] Tử thư: Sách của Khổng Tử, tức là sách của thánh hiền,

[5] Độc huyền tuyệt diệu: đàn một dây mà âm điệu tuyệt vời, chắc là chỉ khả năng phi phàm

[6] Lộc lô: ròng rọc, có lẽ chỉ Giáp Tích Song Quan

[7] Đầu trâm quan: đầu đội mũ cài trâm chỉ người làm quan hoặc giàu có

[8] Mấy câu này đều liên quan đến Đạo Đức Kinh, đại ý là giấu bớt tài năng đi để hòa cùng mọi người

[9] Ngoại kì  thân nhi thân tồn: [Đạo Đức Kinh]: đặt thân ra ngoài danh lợi mà thân tồn tại

[10] Hậu: một giờ chia làm 6 hậu, đánh số từ 1 đến 6.

[11] Đẩu Bính là chuôi sao Bắc Đẩu, ngày xưa cho rằng chuôi sao chỉ vào đâu thì là tháng ấy

[12] Một giờ có 6 hậu, 72 hậu là 12 giờ tức là một ngày

[13] Đây đều là tên các loại tân dịch trong người

[14] Càn Hống: có thể hiểu là Hống của quẻ Càn, cũng có thể hiểu là Hống khô

[15] Cực vãng tri lai: thông hiểu quá khứ, biết trước tương lai

[16] Phao thân nhập thân: bỏ thân lại nhập vào thân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0898 283 941